Trong buồng điều khiển hệ thống radar mới cảnh báo sớm tên lửa. Ảnh: Ria-Novosti. |
Trung tướng Oleg Ostapenko, Tư lệnh các lực lượng bảo vệ bầu trời, nói rằng radar mới có vai trò then chốt trong hệ thống cảnh báo sớm từ xa sự xuất hiện của tên lửa đối phương giúp cho việc chủ động tổ chức đánh chặn. Khi hệ thống Voronezh-M được đưa vào hoạt động, quân đội Nga không còn phụ thuộc vào các hệ thống radar cảnh báo sớm Dnepr nữa.
Dnepr là hệ thống radar cảnh báo sớm tên lửa được chế tạo từ thời Liên Xô, thuộc thế hệ đầu của hệ thống radar chống tên lửa array. Hệ thống này được đặt tại nhiều điểm khác nhau trên toàn lãnh thổ Liên Xô bao gồm cả Latvia, Kazakhstan và Azerbaijan.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, quân đội Nga không còn sử dụng các hệ thống radar đặt tại một số nước cộng hòa cũ của Liên Xô nữa, nên năng lực giám sát của hệ thống giảm. Nay với việc đưa hệ thống Voronezh-M vào hoạt động, năng lực hệ thống cảnh báo sớm tên lửa của Nga được tăng lên gấp đôi với góc quét rộng 240 độ bao phủ vùng trời từ Ấn Độ đến Mỹ.
Hệ thống Voronezh-M có ưu điểm sử dụng ít nhân lực để điều khiển so với các hệ thống radar cũ, tiêu tốn nhiên liệu chỉ bằng 60%.
Cựu Tham mưu trưởng lực lượng tên lửa chiến lược Nga, Đại tướng Viktor Yesin, cho biết trạm radar Voronezh-M vừa được đưa vào hoạt động có nhiệm vụ quan sát bầu trời từ vùng đông bắc nước Mỹ đến toàn lãnh thổ Trung Quốc.
Voronezh-M có thể phát hiện được hoạt động của tên lửa đối phương cách xa 6.000 km trong khi hệ thống radar Dnepr chỉ có thể phát hiện tên lửa đối phương hoạt động cách xa tối đa 2.500 km.
Cùng với việc đưa hệ thống Voronezh-M vào hoạt động, quân đội Nga hôm 23-5 bắn thử thành công một quả tên lửa thế hệ mới. Tên lửa được bắn lên từ Sân bay vũ trụ Plesetsk ở vùng Arkhangelsk.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Vadim Koval cho biết, đây là loại tên lửa vượt đại châu kiểu mới. Ông Koval cho biết tên lửa được bắn lên từ một bệ phóng di động và đầu đạn đã bay đúng quĩ đạo như thiết kế, rơi trúng mục tiêu ở phía tây bán đảo Kamchatka thuộc vùng viễn đông Nga.
Ông cho biết tên lửa vượt đại châu mới này nằm trong kế hoạch tăng cường năng lực của các lực lượng tên lửa chiến lược của Nga, bao gồm cả năng lực chọc thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.
Đ.P
Theo Ria-Novosti