Cơ hội bội thu khách quốc tế
Đầu tháng 4, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã tích cực thảo luận về việc áp dụng hình thức thị thực tương tự như thị thực Schengen tại châu Âu cho các quốc gia Đông Nam Á là Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar và Việt Nam.
Dữ liệu chính thức cho biết 6 quốc gia Đông Nam Á kể trên đã ghi nhận tổng cộng 70 triệu lượt khách du lịch nước ngoài vào năm 2023, trong đó Thái Lan và Malaysia chiếm hơn một nửa tổng doanh thu, tạo ra khoảng 48 tỷ USD. Với ý tưởng này, Thủ tướng Srettha Thavisin muốn thúc đẩy khả năng di chuyển liền mạch cho du khách giữa 6 quốc gia trong khu vực.
Chung thị thực với Thái Lan có thể giúp Việt Nam tăng mạnh nguồn du khách quốc tế. |
Phát biểu trên tờ Bloomberg, Ông Bill Barnett - Giám đốc điều hành bộ phận tư vấn khách sạn và tài sản C9 Hotelworks - nhận định rằng nếu được thực hiện đúng cách, lợi ích của việc tích hợp visa không chỉ giới hạn ở du lịch, vì việc đi lại dễ dàng sẽ mang lại lợi ích cho khách doanh nhân và thương mại.
Ông Nguyễn Ngọc An - đại diện doanh nghiệp Vietlux Tour - cho biết: "Đề xuất chung thị thực sẽ tạo cơ hội cho du lịch Việt Nam trong việc thu hút khách trong khối ASEAN. Khách tham quan cũng được hưởng lợi bởi có thể đi nhiều nước thuận tiện, không tốn thêm chi phí xin visa. Theo quan điểm của tôi, Việt Nam nên tham gia cùng Thái Lan. Hiện nay, thị trường du lịch Đông Nam Á đang có sức cạnh tranh khốc liệt. Nếu khi thành lập khối thị thực chung mà không có Việt Nam, ngành du lịch nước ta sẽ càng khó khăn hơn khi ganh đua với các thị trường đối thủ trong khu vực".
Đại diện doanh nghiệp doanh nghiệp kể trên nhận định rằng khi số lượng khách từ Thái Lan được chia sẻ tới thị trường Việt, các khách sạn, công ty du lịch sẽ có thêm nguồn thu nhập lớn, từ đó có thêm động lực để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo ở nước ta.
"Đáng chú ý, việc Việt Nam hầu hết có đường bay thẳng đến các quốc gia trong sáng kiến khối thị thực chung như Bangkok (Thái Lan) - TP HCM/Hà Nội, Kuala Lumpur (Malaysia) - Hà Nội, Yangon (Myanmar) - Hà Nội. Điều này khiến khả năng một khi du khách đã tới những quốc gia trong khối thì sẽ đến Việt Nam là rất cao, bởi vốn dĩ các điểm đến du lịch của nước ta như vịnh Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Quốc đã tạo nhiều tiếng vang trên thế giới", ông Nguyễn Ngọc An cho biết.
Ý tưởng hay nhưng không dễ áp dụng
Dù sáng kiến thị thực chung của Thủ tướng Thái Lan mang lại nhiều điểm tích cực, nhưng sẽ gặp vô số thách thức để áp dụng và phát huy hiệu quả. Theo một số chuyên gia ngành du lịch ở Việt Nam, quy trình xét duyệt visa ở khu vực Đông Nam Á chưa đồng bộ nên các quốc gia sẽ cần phải họp bàn rất kỹ để đảm bảo vấn đề quản lý.
Trước đó, các quốc gia trong khu vực sông Mekong đã thỏa thuận công nhận việc phương tiện có thể di chuyển qua biên giới mà không cần thực hiện thủ tục tại các cửa khẩu. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp phải nhiều hạn chế do yêu cầu và quy định chưa đồng nhất, không nhất quán.
Cần có hình thức quản lý an ninh chặt chẽ khi chung thị thực với các quốc gia Đông Nam Á. Ảnh: Trần An. |
Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - cho rằng việc tham gia nhóm thị thực chung như visa Schengen của châu Âu đòi hỏi nước ta cần ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ để đồng bộ dữ liệu với các nước, mọi chính sách đều phải liên kết với nhau. Nếu thêm chính sách mới sẽ cần nhiều quy trình, quy định ra đời theo.
Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam nêu quan điểm, để ngành du lịch phát triển bền vững, mọi hệ thống trong nước phải vào cuộc nhằm phát huy triệt để những chính sách đang có.
Từ ngày 15/8/2023, Việt Nam tiếp tục miễn thị thực cho nhiều thị trường gửi khách trọng điểm, kéo dài số ngày lưu trú. Những thay đổi về chính sách thị thực của nước ta trong thời gian qua khiến lượng du khách nước ngoài tới Việt Nam ghi nhận kết quả tích cực.
Tháng 3 năm nay, Việt Nam đón gần 1,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 78,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 3 tháng đầu năm, lượng khách đạt hơn 4,6 triệu lượt, tăng 72% so với cùng kỳ 2023 và tăng 3,2% so với cùng kỳ 2019.
"Theo tôi sáng kiến của Thái Lan là rất tốt nhưng Việt Nam không nên vội vàng. Cần phải có đề án, nghiên cứu với sự vào cuộc của các đơn vị phân tích độc lập, bộ, ban ngành để đưa ra quyết định cuối cùng", ông Vũ Thế Bình nhận định.
Visa Schengen còn được gọi là visa châu Âu, là một loại thị thực quốc tế được cấp bởi Cơ quan Lãnh sự của các quốc gia thuộc khối Liên minh châu Âu bao gồm 27 quốc gia (tính đến năm 2023). Khi được cấp visa của một nước bất kỳ trong khối, du khách có thể tự do đi lại qua 26 nước còn lại mà không cần phải xin thị thực.