Nếu không kiên quyết, VN có nguy cơ bất ổn !

Nếu không kiên quyết, VN có nguy cơ bất ổn !
TP - Nếu không quyết liệt hành động để xử lý vấn đề yếu kém liên quan đến doanh nghiệp nhà nước (DNNN), khu vực ngân hàng, tài chính và đầu tư công, VN có nguy cơ quay trở lại tình hình bất ổn định.

> Dọn nợ nần của doanh nghiệp nhà nước
> Không thể bỏ qua chuyện nợ triệu tỷ

Đây là những ý kiến được bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN đưa ra tại Hội nghị Nhóm các nhà tư vấn tài trợ cho VN (CG) 2012 diễn ra hôm qua 10.12 tại Hà Nội.

Chủ đề hội nghị lần này là “Tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững” với nhiều tham luận về các vấn đề “nóng” của nền kinh tế như tái cấu trúc, tái cơ cấu doanh nghiệp (DN), chống tham nhũng, tiêu cực đất đai...

“Không có giải pháp kiên quyết, VN cũng có khả năng gặp rủi ro rơi vào bẫy thu nhập trung bình với năng lực cạnh tranh thấp, với khả năng quay trở lại tình hình bất ổn định tái diễn làm nghiêm trọng thêm vấn đề bất bình đẳng trong xã hội”, Giám đốc WB VN nói.

Sẽ cân nhắc giảm thuế thu nhập DN

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm sút, trong nước phải đối phó với lạm phát cao, tín dụng tăng thấp nhưng kinh tế VN đã thu được một số kết quả như kinh tế vĩ mô ổn định hơn, GDP cả năm ước tăng 5,2%, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 27 tỉ USD, tăng 8% so với năm 2011.

Lạm phát 2012 được kiềm chế, dự kiến cả năm đạt khoảng 7,5%. Cán cân thương mại cân bằng, dự trữ ngoại hối đạt khoảng 12 tuần nhập khẩu, cán cân thanh toán thặng dư 8 tỉ USD.

 Không có giải pháp kiên quyết, VN cũng có khả năng gặp rủi ro rơi vào bẫy thu nhập trung bình với năng lực cạnh tranh thấp, với khả năng quay trở lại tình hình bất ổn định tái diễn làm nghiêm trọng thêm vấn đề bất bình đẳng trong xã hội.

Thủ tướng nhìn nhận, kinh tế vĩ mô VN năm 2012 vẫn còn một số khó khăn. Lạm phát chưa được kiềm chế vững chắc.

Các DN gặp nhiều khó khăn do hàng tồn kho, lãi suất cao, năng lực sản xuất hạn chế. Việc tạo việc làm, cải cách tiền lương chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc cổ phần hóa DNNN còn chậm.

Theo Thủ tướng, trong năm 2013 VN phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP cao hơn, lạm phát thấp hơn năm 2012 (năm 2013 mục tiêu tăng GDP khoảng 5,5%, lạm phát 6-6,5%), cán cân thanh toán được cải thiện.

Để GDP tăng trưởng cao hơn, Chính phủ sẽ tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN, giúp giảm nợ xấu, hàng tồn kho, đưa lãi suất về mức hợp lý. Chính phủ cũng sẽ cân nhắc giảm thuế thu nhập DN.

Nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, Chính phủ sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và tái cơ cấu DNNN.

Trong tái cơ cấu DNNN, sẽ tập trung đẩy mạnh cổ phần hóa, cải thiện thể chế để DNNN hoạt động bình đẳng với DN các thành phần khác, công khai minh bạch hoạt động của các DN này.

Tăng cường kiểm tra, giám sát các DNNN cũng như ngân hàng thương mại. Đồng thời, sẽ tăng cường kỷ luật kỷ cương, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, nhất là giám sát hoạt động của DNNN, các ngân hàng thương mại.

Gần 6,5 tỉ USD vốn vay được cam kết

Ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) khuyến cáo VN cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Đối với chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái cần duy trì lạm phát thấp và một tỷ giá ổn định là những yếu tố then chốt. Nếu không có cú sốc lớn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên duy trì lãi suất chính sách ở mức hiện tại trong thời gian tới.

33,4 tỉ USD đã được giải ngân

Năm ngoái, tổng mức ODA cam kết từ các nhà tài trợ là gần 7,4 tỉ USD, giảm so với con số 7,9 tỉ USD tại Hội nghị CG 2010 và 8 tỉ USD (2009). Trong 11 tháng đầu năm 2012, VN đã giải ngân được 3,56 tỉ USD, vượt 17% so với kế hoạch cả năm. Tốc độ giải ngân vốn ODA của VN những năm gần đây luôn ở mức cao, từ mức 1,785 tỉ USD năm 2006 lên 3,5 tỉ USD năm 2010 và 3,65 tỉ USD năm 2011. Tính đến hết năm 2011, đã có khoảng 33,4 tỉ USD vốn ODA cho VN được giải ngân kể từ kỳ CG đầu tiên, chiếm 61% tổng vốn ODA đã ký kết

Về chính sách tài khóa, IMF cho rằng thâm hụt ngân sách của VN không đáng ngại, tuy nhiên, quỹ này cảnh báo, các cuộc cải cách DNNN thường đi kèm với rất nhiều khoản nợ dự phòng mà chính phủ phải đứng ra gánh vác. Nhưng hiện tại, ngân sách vẫn chưa bố trí và chưa có nguồn dự phòng cho các chi phí này.

Đại sứ EU tại VN Franz Jessen nhấn mạnh 4 vấn đề mang tính quyết định đối với hướng đi tương lai của VN, gồm việc giải quyết những thách thức kinh tế, đảm bảo đối xử công bằng cho những người có quyền sử dụng đất, vấn đề tham nhũng và chất lượng tăng trưởng.

Đại diện EU bày tỏ sự đặc biệt quan tâm đến việc không có một khoản rõ ràng trong ngân sách nhà nước năm 2013 cho việc “tái cấu trúc” hay để đóng vai trò như một khoản dự trữ cho những nguy cơ bất ngờ có thể xảy ra.

“Sẽ tốt hơn nếu những bản kế hoạch được phê chuẩn cho việc tái cấu trúc các ngân hàng và các DNNN được công bố”, ông Jessen nói.

Tại phiên bế mạc, Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết tổng số tiền cam kết hỗ trợ, viện trợ cho các chương trình phát triển của VN trong năm 2013 là 6,485 tỉ USD.

Trong đó, riêng khoản vốn Nhật Bản cam kết lên tới 2,6 tỉ USD, tương đương mức của năm 2012.

Các khoản vay từ phía 30 đối tác phát triển (gồm 25 quốc gia và 5 tổ chức quốc tế) sẽ được tập trung cho các lĩnh vực phát triển hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội...

Người dân phải được giám sát

Ý kiến trên được một số chuyên gia đưa ra tại hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) tổ chức ngày 10.12 nhằm đề xuất mô hình khắc phục tình trạng chống chéo, lẫn lộn giữa chức năng chủ sở hữu nhà nước và chức năng quản lý trong DNNN.

Trong 4 mô hình mà CIEM đề xuất, khả thi nhất là Chính phủ nên thành lập một ủy ban chuyên trách quản lý, giám sát DNNN cấp Chính phủ, do Thủ tướng hoặc phó thủ tướng kiêm nhiệm làm chủ tịch. Đây không phải một cơ quan hành chính NN, không thực hiện chức năng quản lý như các bộ ngành, UBND tỉnh thành.

3 mô hình khác, trong đó, mô hình thứ 2 có bước đi gần giống mô hình thứ nhất nhưng ở cấp T.Ư, cơ quan chuyên trách thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu NN sẽ không thuộc cấp Chính phủ mà chỉ ở cấp bộ.

Các bộ sẽ thành lập mới một cục hoặc một vụ thực hiện trách nhiệm này. Mô hình thứ 3 là Chính phủ thống nhất thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu NN thông qua Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn NN (SCIC).

Mô hình thứ 4 là Chính phủ cần phân công, phân cấp cho Thủ tướng, bộ, UBND tỉnh thành thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu tại từng loại DNNN.

Ông Lê Xuân Bá - Viện trưởng CIEM cho rằng, mô hình thứ nhất có nhiều ưu điểm hơn cả, mang tính tập trung cao, tách bạch được chức năng chủ sở hữu NN và chức năng quản lý NN.

Tuy nhiên, nó có nhược điểm sẽ phát sinh thêm một bộ máy, biên chế NN, kéo theo các vấn đề nhân sự và có thể vấp phải sự phản đối do lợi ích nhóm. Theo ông Bá, CIEM sẽ trình Thủ tướng đề án này trong năm 2013.

PGS-TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế VN cho rằng việc Thủ tướng và các bộ chủ quản giám sát, quản lý DNNN đã được đề xuất từ lâu nhưng thực tế không làm được.

“Lần này đề xuất, tách bạch rõ hơn, thấy hay hơn, nhưng lịch sử 25 năm cho thấy cứ đụng vào vấn đề này là lại không làm được. Lý do có phải vì nó đã đụng đến lợi ích một số cán bộ hay không?”, ông Thiên đặt câu hỏi.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nếu không giảm bớt số lượng DNNN, phần vốn và lĩnh vực mà NN nắm giữ, kiểm soát thì dù chọn mô hình nào cũng sẽ thất bại.

Bên cạnh đó, bà Lan đặc biệt lưu ý tới việc hình thành cơ chế giám sát, kiểm tra của đại diện chủ sở hữu đối với các DNNN. Mục tiêu cuối cùng phải tăng cường trách nhiệm chủ sở hữu NN đối với tài sản toàn dân mà NN giao cho DN sử dụng, chứ không chỉ quản lý “mấy ông” DNNN. Vì vậy, phải có cơ chế để Quốc hội là cơ quan giám sát tối cao.

Ngoài ra, mở thêm kênh giám sát trực tiếp của nhân dân, bởi hầu hết tham nhũng thất thoát từ các tập đoàn, tổng công ty là do nhân dân phát hiện ra. Nếu triệt tiêu vai trò giám sát của dân là không được.

Theo Anh Vũ - Ng.Phong
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Người Tiền Phong luôn tiên phong
Người Tiền Phong luôn tiên phong
TP - Sau cơn bão số 4, mưa lũ dồn dập trút xuống nhiều tỉnh thành miền Bắc khiến nhiều bản làng, nhà cửa và hàng trăm người dân bị cuốn trôi, mất tích. Nhận lệnh từ Ban Biên tập báo Tiền Phong, nhóm phóng viên Bắc Trung bộ lập tức lên đường từ miền Trung ra miền Bắc để chi viện “điểm nóng”.