Lễ hội lâu đời của đồng bào dân tộc
Theo lãnh đạo huyện Lạng Giang, xã Hương Sơn khi xưa là một vùng rừng núi rộng lớn, là cửa rừng quan trọng để đi lên phía Bắc. Theo đường thiên lý Đông quan, đây là mảnh đất phên dậu của Tổ quốc, vùng cửa ngõ quan trọng giao thông với phương Bắc.
Suốt chiều dài lịch sử, mảnh đất Hương Sơn đã chứng kiến và làm nên bao chiến công hiển hách của đồng bào các dân tộc. Tiêu biểu là trận chiến trước viện binh nhà Minh ở thành Cần Trạm năm 1427. Chiến thắng Cần Trạm, cùng với chiến thắng Chi Lăng, Hố Cát, Xương Giang đã góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến 20 năm chống quân Minh xâm lược của nhân dân ta.
Người dân tham gia lễ hội mở cửa rừng ở huyện Lạng Giang |
Khi giang sơn thu về một mối, vua Lê lên ngôi đã mở hội mừng công, ghi nhận vai trò của các vị tướng; hình thành nét văn hóa tín ngưỡng trong nhân dân địa phương, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số về việc thờ các vị thần linh nơi cửa rừng. Ngày nay đền Càn, nghè Trận, thành Cần Trạm là những minh chứng rõ nét cho một giai đoạn lịch sử hào hùng.
Lãnh đạo huyện Lạng Giang chia sẻ, lễ hội mở cửa rừng lấy không gian địa điểm tại đền Cổ Ngựa và đền Chúa Then để tổ chức. Theo lưu truyền, đền Chúa Then thờ một vị nữ thần là Bà Then Tiên Vương Thị Chân Nhân. Tín ngưỡng thờ chúa Then là tín ngưỡng bản địa thờ thần trên rừng núi. Đối với dân tộc Nùng, thờ chúa Then cũng giống tín ngưỡng thờ các vị chúa Sơn Lâm, Sơn Trang, nhiều dòng họ thờ gọi là Then tổ. Chúa Bà được thờ ở đền Chúa Then này là Then Tiên, Ngài đã vượt ra phạm vi một dòng họ, một vùng mà hiển hóa khắp mọi nơi, được nhiều người biết tới và thờ phụng.
Lễ hội mở cửa rừng là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng truyền thống của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái thuộc xã Hương Sơn. Trong tâm thức của đồng bào các dân tộc xã Hương Sơn, lễ hội mở cửa rừng có từ lâu đời và thường diễn ra vào dịp đầu xuân do dân làng đứng ra tổ chức. Ngày nay, nghi lễ này vẫn được đồng bào các dân tộc ở thôn Việt Hương, xã Hương Sơn duy trì. Đây cũng là ngày hội truyền thống ở địa phương nên thu hút nhiều người tham gia. Ngày nay, nghi lễ này vẫn được đồng bào các dân tộc ở thôn Việt Hương, xã Hương Sơn duy trì.
Ông Nguyễn Văn Long - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lạng Giang cho biết, thực hiện nghi lễ mở cửa rừng, ban đầu, nhà đền Chúa Then thực hiện làm lễ cúng thần rừng tại đền Chúa Then, sau đó đọc văn tế xin phép mở cửa rừng, xin keo tức là tung đôi keo bằng gỗ nhà đền giống như xin đài âm dương và đẩy mở cửa cung Đại Bái đền Chúa Then. Tiếp đến là tế rượu và dâng lễ vật lên các vị thần, nhà đền chuẩn bị sẵn lộc để trao - nhận lộc rừng cho du khách thập phương. Tại ngôi đền Chúa Then, người dân cùng nhà đền làm lễ khai xuân, dâng mâm lễ, sản vật cúng và đặc biệt là nghi lễ mở cửa rừng.
Nghi lễ cúng bà Chúa Then tại lễ hội mở cửa rừng ở huyện Lạng Giang |
Đoàn kết đồng bào dân tộc
Lãnh đạo huyện Lang Giang cho biết thêm, lễ hội mở cửa rừng cũng là dịp để đồng bào các dân tộc muôn nơi hội tụ về gặp gỡ, giao lưu, vừa để cầu mong cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, thể hiện ước nguyện, khát vọng về cuộc sống ấm no, sung túc về vật chất, tinh thần cũng như sự tuần hoàn của quy luật để vạn vật sinh sôi, nảy nở.
Năm nay, lễ hội mở cửa rừng xã Hương Sơn được nâng lên quy mô cấp huyện, do UBND huyện Lạng Giang đứng ra tổ chức. Đây cũng là một trong những sự kiện hưởng ứng Tuần văn hóa - du lịch năm 2024 của tỉnh Bắc Giang (diễn ra trong 6 ngày, từ 20- 25/2 (tức từ 11 đến 16 tháng Giêng, năm Giáp Thìn).
Việc huyện Lạng Giang mở lễ hội cửa rừng quy mô cấp huyện nhằm phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể để tuyên truyền, quảng bá về vùng đất, con người Lạng Giang và xã Hương Sơn, truyền cho thế hệ trẻ tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc.
Trong tiết mưa xuân ngày khai hội, ngay từ sáng sớm, đông đảo người dân cùng 21 đoàn rước của các thôn trên địa bàn xã Hương Sơn đã tập trung chỉnh tề tại đền Cổ Ngựa với cờ thần, nhang án, trống, chiêng, kiệu. Đây là một trong những di tích liên quan đến lịch sử chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn vào những năm đầu thế kỷ XV.
Được biết, lễ hội mở cửa rừng xã Hương Sơn diễn ra trong 3 ngày, từ 19- 21/2 (tức mùng 10 đến 12 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Các nghi lễ cúng thần rừng tại đền Chúa Then là một hình thái sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng đặc biệt với tổng hòa các yếu tố văn hóa và nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo. Nghi lễ này không chỉ để tạ ơn thần rừng đã mang nguồn nước, sản vật cho nhân dân mà còn có ý nghĩa giáo dục ý thức bảo vệ rừng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đền Chúa Then có lịch sử lâu đời, tọa lạc trên khu đất rộng khoảng 1,1 ha lấy núi Hương Sơn làm chỗ dựa, ngoảnh ra thượng nguồn sông Thương quanh năm xanh mát.
Đền được xây dựng theo lối kiến trúc cổ truyền của người Việt, với nhiều khu nhà thờ khác nhau. Điểm đặc sắc ở đây là sự kết tụ những tinh hoa trong kiến trúc mỹ thuật cổ truyền của cả người miền xuôi và văn hóa của đồng bào các dân tộc miền núi. Đền Chúa Then cũng là nơi phối thờ Chúa Then cùng với các chúa Sơn Trang trong hệ thống thờ các nữ thần rừng núi thuộc tín ngưỡng hầu đồng, góp phần làm tăng thêm sự giao thoa của văn hóa tín ngưỡng.