Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam, chia sẻ tại sự kiện gặp gỡ 50 doanh nghiệp đầu tư ESG 2023 |
Tại Sự kiện gặp gỡ 50 doanh nghiệp đầu tư ESG 2023 diễn ra tại Tp.HCM ngày 1/06 , chủ đề biến đổi khí hậu và những tác động ngày càng mạnh mẽ của vấn đề này đến kinh tế - xã hội, môi trường và doanh nghiệp đã được trao đổi và thảo luận. Các doanh nghiệp đều nhất trí rằng việc thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện hành động để giảm phát thải nhà kính là cần thiết để hướng tới tương lai bền vững cho các thế hệ trong tương lai.
Hiện nay, chính phủ Việt Nam đã có cam kết về mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050. Bên cạnh đó, chính phủ cũng đã ban hành những chính sách và chiến lược nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững trong các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, cũng như định hướng thu hút đầu tư thế hệ mới. Định hướng này đòi hỏi sự hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân để có thể đẩy nhanh tiến độ hiện thực hoá nền kinh tế carbon thấp và tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Người nông dân trồng cà phê tham gia vào chương trình NESCAFÉ Plan |
Là doanh nghiệp hàng đầu về thực phẩm, Nestlé tập trung vào các nhóm giải pháp về giảm khí thải nhà kính trong toàn bộ chuỗi cung ứng, cũng như thực hiện vai trò thúc đẩy sự chuyển đổi sang phương thức canh tác nông nghiệp bền vững nhằm xây dựng hệ thống thực phẩm tái sinh, góp phần đảm bảo nguồn cung lương thực bền vững, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, tăng cường sinh kế và đa dạng sinh học.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam, cho biết: “Nông nghiệp bền vững theo cách tiếp cận của chúng tôi là canh tác thuận tự nhiên. Lâu nay, để tăng năng suất cây trồng, người nông dân đã sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu một cách không kiểm soát, ảnh hưởng xấu đến chất lượng đất trồng. Nếu tiếp tục phương thức canh tác này, có thể sẽ không còn thực phẩm cho các thế hệ tương lai. Vì thế, chúng tôi khuyến khích người nông dân chuyển đổi sang nông nghiệp tái sinh – một phương thức dựa trên chất lượng đất và cây trồng. Chúng tôi tin rằng phương thức này có thể giúp bảo vệ được hành tinh của chúng ta.”
Mục tiêu của nông nghiệp tái sinh là hướng đến giúp cải thiện chất lượng và độ phì nhiêu của đất cũng như bảo vệ nguồn tài nguyên nước và đa dạng sinh học. Chất lượng đất trồng tốt hơn sẽ tăng khả năng chống chọi với những tác động của biến đổi khí hậu, giúp tăng năng suất và cải thiện thu nhập và sinh kế cho người nông dân, và giúp tăng khả năng hấp thụ khí CO2.
Tại Việt Nam, nông nghiệp tái sinh được lồng ghép và thực hiện trong khuôn khổ NESCAFÉ Plan – một chương trình phát triển bền vững triển khai từ năm 2011. Trong đó, các thực hành nông nghiệp tái sinh đang được Nestlé Việt Nam chia sẻ đến người nông dân trồng cà phê tại Tây Nguyên chủ yếu kết hợp đồng thời 5 giải pháp: Trồng xen canh hợp lý; sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh; tiết kiệm nước; đa dạng sinh học; cải thiện chất lượng đất trồng.
“Chúng tôi có được nguồn lực và kiến thức, kỹ thuật từ tập đoàn. Và chúng tôi chia sẻ, tập huấn các phương thức canh tác bền vững với người nông dân. Để người nông dân thay đổi thói quen canh tác như giảm sử dụng phân bón hóa học là rất khó nhưng các cán bộ nông nghiệp của chúng tôi luôn sát cánh với người nông dân để họ hiểu và có thể áp dụng,” ông Binu Jacob cho biết thêm. “Chúng tôi cần phải thúc đẩy sự thay đổi, từ những việc nhỏ như giúp người nông dân biết khi nào cần tưới nước cho cây vì việc sử dụng nhiều nước tưới không tốt cho đất trồng. Chúng tôi cũng khuyến khích việc trồng xen canh hợp lý giữa cây cà phê với các loại cây khác như hồ tiêu. Việc này không chỉ tốt cho cây trồng, mà còn giúp người nông dân có thêm thu nhập”.
Sau 12 năm thực hiện, chương trình NESCAFÉ Plan đã hỗ trợ hơn 21.000 hộ nông dân tại Tây Nguyên tiếp cận và thực hành sản xuất cà phê theo bộ tiêu chí 4C, triển khai tập huấn về canh tác cà phê bền vững cho hơn 330.000 lượt nông dân, phân phối hơn 63,5 triệu cây giống kháng bệnh và cho năng suất cao, giúp người nông dân tiết kiệm được 40% nước tưới, giảm 20% lượng phân bón, giảm 20% chi phí sản xuất mà vẫn đảm bảo được năng suất cây trồng. Từ đó, giúp cải thiện thu nhập của người nông dân và góp phần giảm phát thải khí nhà kính.