Nên xét và cấp bằng tốt nghiệp?

TP - Trước đó, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy định thi tốt nghiệp THPT trong Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nói, Luật Giáo dục hiện hành quy định: học sinh học hết chương trình THPT có đủ điều kiện theo quy định thì được dự thi THPT quốc gia, nếu đạt yêu cầu thì được cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Tuy nhiên khi sửa đổi thì có khá nhiều quan điểm khác nhau về nội dung này.

Trong đó, nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT quốc gia là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục phổ thông của học sinh. Đồng thời cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh chính sách giáo dục và là nguồn thông tin tham khảo cho các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyển sinh. Kỳ thi này còn có ý nghĩa cung cấp chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho mục đích liên thông và hội nhập hệ thống giáo dục quốc tế.

Ngược lại, nhóm ý kiến khác đề xuất không tổ chức thi mà nên xét và cấp bằng tốt nghiệp THPT để phù hợp với mục tiêu, tính chất của cấp học này, giảm áp lực, tốn kém do thi cử mang lại. “Điều chỉnh này cũng tạo điều kiện tốt hơn đối với các trường hợp người học theo học trình độ trung cấp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có tích lũy khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định được học lên các trình độ cao hơn”, ông Phan Thanh Bình nói.

Tuy nhiên, ông Phan Thanh Bình cho biết, Thường trực Ủy ban lựa chọn phương án tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng ủng hộ phương án “thi 2 trong 1”. Lý do được hai ông nêu ra là nếu bỏ thi không giữ được chất lượng. “2 trong 1” thời gian qua là đúng, có chăng là trong quá trình thực hiện có chỗ này, chỗ kia có vấn đề. Chỗ nào có vấn đề thì xử lý.

Trước các quan điểm trên về thi THPT quốc gia, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng xin lùi thời gian xem xét thông qua Dự thảo Luật Giáo dục và Đào tạo. “Với mục đích làm sao có một luật thật chất lượng, chúng tôi xin được lùi để chuẩn bị, đến kỳ họp thứ 7. Thời gian chỉ còn hai, ba tháng nữa rất khó để hoàn thiện hồ sơ. Tới kỳ thứ 7 chúng tôi trình, như vậy rất chắc chắn”, ông Nhạ nói.

MỚI - NÓNG