Nền phê bình điện ảnh Việt gần như… vô hình

TP - Nền phê bình điện ảnh gần như chết, tràn lan những bài đăng chạy theo lợi ích thương mại hoặc tiết lộ nội dung phim, cắt phim thành những đoạn nhỏ khiến khán giả hiểu sai lệch… là những vấn nạn được các chuyên gia chỉ ra tại cuộc tọa đàm Chúng ta viết gì khi viết về phim. Nhân dịp ra mắt bản tiếng Việt cuốn "Hướng dẫn viết về phim" của Timothy Corrigan.

Nỗi ám ảnh phê bình phim

Trong khi mạng xã hội trăm hoa đua nở các nội dung “review”, “phê bình” phim thu hút công chúng chủ yếu là người trẻ lại thiếu vắng các bài viết chuyên sâu về phim trên các phương tiện chính thống. Tình trạng ai cũng có tài khoản cá nhân và muốn nói gì thì nói về phim đang là nỗi ám ảnh với giới chuyên môn.

“Cá nhân tôi rất hiếm đọc được bài báo phê bình phim (không chỉ phim của mình) mà khiến mình khâm phục”, đạo diễn, NSND Phạm Nhuệ Giang trả lời Tiền phong. “Tác giả phê bình cho thấy không phải học chuyên về điện ảnh mà là những người học báo chung chung. Họ viết chủ yếu phân tích về nội dung, có thể coi là phê bình văn học cũng được”.

Tác giả Cây bạch đàn vô danh cho biết, trong tất cả các tác giả viết về phim của mình mà bà từng đọc, bà tâm đắc nhất với Hoàng Dạ Vũ. Đạo diễn Nhuệ Giang cho rằng, bài viết của tác giả này là kết quả của một quá trình nghiên cứu lâu dài. “Tôi có cảm giác như gặp được người tri kỷ, hiểu được phim của mình khá chính xác. Nếu được mọi người hiểu thì mình rất vui. Nhưng tất nhiên chẳng cần chờ bài phê bình, mình luôn muốn làm những bộ phim tốt nhất trong khả năng. Đó là điều bắt buộc”, đạo diễn Nhuệ Giang nói.

Bà khẳng định, kể cả những bài phê bình chất lượng từ những cây viết uy tín cũng sẽ chỉ khiến nhà làm phim thấy thú vị vì được người giỏi quan tâm chứ cũng không thể thay đổi được tư duy, sáng tạo của nghệ sĩ. “Vì trong công việc, nhà làm phim làm với bao nhiêu tri thức, chất xám, nghĩ ngợi sâu hơn rất nhiều so với thời gian nghiên cứu của một nhà phê bình,” bà lý giải.

Nền phê bình điện ảnh Việt gần như… vô hình ảnh 1

Phê bình điện ảnh trong nước chưa theo kịp sự gia tăng nhanh chóng của tác phẩm. Ảnh: Nhã Nam

Đó cũng chính là lý do dẫn đến lùm xùm phát ngôn của đạo diễn Trần Anh Hùng (Anh nói phim tôi này kia nhưng anh là ai) khi về nước trình chiếu Muôn vị nhân gian. “Trần Anh Hùng đặt vấn đề rất rõ: Anh làm phim, nghiên cứu, viết lách nó trong vòng 5-7 năm. Bao nhiêu công sức, chất xám, cảm xúc dồn vào tác phẩm, trong khi các nhà phê bình xem khoảng 1-2 lần. Liệu những người đấy với lý lịch và khả năng của họ đã thẩm thấu hết bộ phim chưa mà khi viết thì cứ kiểu dạy đời”, Nhuệ Giang kể.

Bà khẳng định, dù sao nhà làm phim cũng cần lắng nghe tiếng nói từ bên ngoài. Và ở Việt Nam vẫn có một vài cây bút hiếm hoi viết về phim có chiều sâu. Song: “Họ viết chủ yếu cho những tạp chí mà càng nghiêm túc, càng chất lượng lại càng ít người theo dõi. Dân tình cũng không biết tài năng của những nhà phê bình đấy. Trên mạng rộ lên rất nhiều bài không có giá trị nhưng lớp trẻ lại theo dõi rất đông”. Nhuệ Giang gọi đó là sự phi lý “khác hẳn thế giới” đang tồn tại ở Việt Nam. Lý do chủ yếu do thiếu sự đào tạo cả về bề rộng và chiều sâu.

Bà khuyên khán giả tìm nguồn chính thống để đọc những bài viết khách quan, chuẩn xác về phim, đừng đề cao cũng đừng coi thường nhà phê bình và nhấn mạnh: “Để biết đâu là chính thống cũng phải học”.

Giới hạn của phê bình

Chuyên gia Nguyễn Hoàng Phương (Phụ trách điều hành Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Tài năng Điện ảnh TPD) xác nhận ở Việt Nam cũng có “tình bạn” giữa nhà phê bình và nhà làm phim, nhưng “90% nhà làm phim Việt ghét nhà phê bình”.

Nền phê bình điện ảnh Việt gần như… vô hình ảnh 2

“Nền phê bình phim ở Việt Nam gần như chết, các bài bình luận phim trên báo chí quá nông vì người viết không có chuyên môn sâu. Tương lai ngành phê bình lý luận điện ảnh cũng mờ mịt vì không thu hút được người trẻ”. Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang

“Nhà phê bình có những quyền lực nhất định. Có vị thế như một người sáng tạo và có quyền diễn giải của họ. Trong bài viết về phim bao giờ tôi cũng cố gắng đưa ra quan điểm đánh giá của mình một cách rõ ràng, không bị phụ thuộc mối quan hệ ngoài tác phẩm nghệ thuật”. Nhà phê bình Mai Anh Tuấn

Ông cho biết ở các nước phát triển, hệ thống phê bình độc lập với phát hành phim: “Các nhà phê bình có thể chê phim nhưng không có chuyện hãng phim hay nhà phát hành không bao giờ mời người ta đến xem phim nữa. Chỉ trừ phi họ đi quá giới hạn, chẳng hạn làm lộ tình tiết quan trọng của phim, làm mất trải nghiệm của khán giả”.

Ông Phương chia sẻ một nguyên tắc của bản thân thể hiện sự tôn trọng với nhà làm phim là không chê phim ngay sau khi dự ra mắt. Nếu cần “phê bình thẳng thắn”, ông sẽ đợi sau khi phim có đời sống riêng mới viết.

Theo nhà phê bình Mai Anh Tuấn, bên Mỹ, tiếng nói của nhà phê bình thực sự quan trọng, ít nhất định hướng được công chúng. Có nhà phê bình phim còn đoạt giải Pulitzer.

Còn ở Việt Nam, theo ông, quyền lực của nhà phê bình trong các lĩnh vực nghệ thuật rất hạn chế.

“Kể cả những tên tuổi trong giới rất khó có thể tạo nên một sự ảnh hưởng. Các lĩnh vực khác như văn học hay hội họa cùng lắm có thể tác động một chút tới cộng đồng công chúng thôi, chứ bảo để thay đổi tư duy sáng tạo của nghệ sĩ thì chắc rất khó,” ông thừa nhận.

Rút ngắn khoảng cách

Để phim Việt rút ngắn khoảng cách với thế giới, đạo diễn Nhuệ Giang cho rằng chỉ có thể nhờ giáo dục: “Thế hệ chúng tôi đến một độ tuổi sẽ không còn hy vọng phát tiết cái mới. Nên cần một thế hệ làm phim, phê bình chuyên nghiệp, học hành bài bản và cả một cộng đồng xem phim hiểu biết”.

Sự thiếu sót của đào tạo điện ảnh ở chỗ không có đãi ngộ và đầu tư đặc biệt cho tài năng như bên thể thao đã làm và vươn tới đỉnh cao Olympic.

“Cách đào tạo đấy đưa đến ngôi sao, ngành nghệ thuật vẫn đào tạo theo số đông. Tài năng cũng không được hưởng chế độ gì đặc biệt hơn. Khi tôi dạy ở trường Sân khấu - Điện ảnh, rõ ràng có những em tài năng, phim đầu tay không thua kém chuyên nghiệp, có thể đỗ đầu Việt Nam. Nhưng khi ra trường không ở đâu nâng đỡ và họ cứ lụi dần”, đạo diễn Nhuệ Giang nói.

Những nhà làm phim trẻ thường “sống ngắn”, dễ dàng bị cuốn theo guồng quay thực dụng “luôn nghĩ phải có tiền mới tồn tại” mà không chuyên tâm xây dựng kịch bản tốt, quyết tâm làm một bộ phim hay. “Tất cả những cái đấy khiến chúng ta thua kém thế giới,” bà kết luận.

Đạo diễn Nhuệ Giang cũng “nhặt” ra được những cái tên như Phạm Ngọc Lân (đạo diễn Cu li không bao giờ khóc) và Phạm Thiên Ân (Bên trong tổ kén vàng) mà theo bà “chắc chắn là những người đam mê nhất, quyết tâm nhất. Tri thức của họ tạo ra tác phẩm mà có thể đa số khán giả Việt Nam thấy buồn ngủ”, Nhuệ Giang nói.

Có những người lâu năm trong nghề cũng không thích hai phim kể trên. Nhưng không phải vô cớ, giữa nhiều nền điện ảnh đang phát triển mà phim Việt vẫn được vinh danh tại Cannes hay LHP Berlin.