Nên mở rộng đối tượng được nộp phạt tại chỗ

CSGT xử phạt người vi phạm trên đường Hàng Bài, Hà Nội Ảnh: Xuân Phú
CSGT xử phạt người vi phạm trên đường Hàng Bài, Hà Nội Ảnh: Xuân Phú
TP - Thượng tá Đỗ Văn Cương, Phó trưởng phòng Pháp luật Hành chính- Kinh tế- Dân sự (Vụ Pháp chế- Bộ Công an) nói: quy trình xử phạt người vi phạm giao thông rườm rà, mất nhiều thời gian như trường hợp Tiền Phong phản ánh là do quy định mức phạt cho phép người vi phạm được nộp tiền tại chỗ hiện còn quá thấp.

>> Cần đổi mới cách thức xử phạt giao thông

CSGT xử phạt người vi phạm trên đường Hàng Bài, Hà Nội Ảnh: Xuân Phú
CSGT xử phạt người vi phạm trên đường Hàng Bài, Hà Nội.
Ảnh: Xuân Phú.

Thưa ông trong dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính tới đây, quy trình thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của cảnh sát giao thông có được xem xét sửa đổi?

Tôi được biết là có xem xét quy trình thủ tục này theo hướng gọn nhẹ mà vẫn đảm bảo được những nguyên tắc cơ bản của việc xử lý vi phạm hành chính, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người vi phạm và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong việc chấp hành luật giao thông đường bộ.

Sở dĩ những trường hợp Tiền Phong phản ánh vừa qua bị cho là quá mất thời gian, nhiều rắc rối cho người bị nộp phạt và cũng mất nhiều công sức của cảnh sát giao thông là vì quy định các lỗi được thực hiện xử phạt tại chỗ còn quá ít.

Cụ thể là gì?

Đó là những lỗi chỉ bị phạt cảnh cáo hoặc xử phạt bằng tiền dưới 200.000 đồng. Còn lại với những lỗi ở khung từ 200.000 đồng trở lên thì buộc phải theo một trình tự nhất định. Cảnh sát giao thông không được trực tiếp thu tiền phạt mà người vi phạm phải nộp vào kho bạc nhà nước sau đó đưa biên lai nộp tiền ấy cho phía cảnh sát giao thông để họ thực hiện những bước tiếp theo của quy trình.

Thưa ông, một số trường hợp lỗi vi phạm không thuộc diện bị tạm giữ xe, tuy nhiên người vi phạm vẫn bị giữ xe cho đến khi nộp tiền phạt xong, như vậy có đúng với quy định của pháp luật?

Việc giữ xe như vậy được xem là biện pháp bảo đảm cho quá trình chấp hành xử phạt hành chính của người vi phạm. Cụ thể người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy phép lái xe hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan cho đến khi cá nhân, tổ chức vi phạm chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu cá nhân, tổ chức đó không có những giấy tờ nói trên thì người có thẩm quyền mới tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm.

Thưa ông, nếu chỉ là tăng thêm các trường hợp lỗi được xử phạt tại chỗ, tức là nộp tiền trực tiếp cho CSGT để khắc phục thủ tục rườm rà hiện nay, liệu có lo ngại nguy cơ tiêu cực khó được kiểm soát?

"Có ý kiến cho rằng để đảm bảo quyền của người vi phạm hành chính, đối với trường hợp bị xử phạt hành chính khá nặng- mức tiền hàng chục triệu đồng, bị đình chỉ hoạt động thì người bị xử phạt có quyền mời luật sư tham gia trong suốt quá trình ra quyết định xử lý vi phạm hành chính." - Thượng tá Đỗ Văn Cương
 

Không lo ngại. Tôi nói như thế là vì mặc dù đối với những thủ tục nộp phạt đơn giản - nộp phạt tại chỗ không phải lập biên bản vi phạm - nhưng CSGT vẫn phải ra quyết định xử phạt.

Đó là quy định bắt buộc. Đối với những trường hợp người vi phạm mắc lỗi và được nộp trực tiếp như vậy, nếu đồng chí nào chỉ thu tiền mà không ra quyết định xử phạt hành chính là sai.

Những trường hợp nào thì nên xử phạt tại chỗ mà không cần bắt buộc người vi phạm nộp tiền phạt tại kho bạc nhà nước?

Theo tôi, tất cả những lỗi của người điều khiển phương tiện giao thông mà bị xử phạt ở mức 500.000 đồng trở xuống.

Cảm ơn ông!

Ngân Hà (thực hiện)
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG