Những ngày qua, Nam Em liên tục có hành động bất thường và livestream với nội dung độc hại. Cô thu hút truyền thông và dư luận theo chiều hướng tiêu cực.
Nam Em đáng trách hay đáng thương?
Ngày 9/4, Nam Em lần thứ hai làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM liên quan tới hoạt động trên mạng xã hội.
Sau buổi làm việc, cô bị xử phạt hành chính ở mức tăng nặng là 10 triệu đồng vì tiếp tục vi phạm về hành vi cung cấp thông tin gây hoang mang trong nhân dân.
Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM báo cáo, kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, xử lý ngăn chặn đối với tài khoản Facebook Nguyễn Lệ Nam Em và tài khoản TikTok Nguyễn Lệ Nam Em.
Nam Em liên tục livestream với nội dung gây hoang mang. |
Sáng 10/4, Nam Em đăng tải trên story Facebook với nội dung từng nhảy lầu và thừa nhận bị trầm cảm. "Đừng có ai dại dột nhảy lầu như tôi. Nhảy lầu không chết mà còn đi nộp phạt rồi bị cả xã hội chửi nữa. Có tiêu cực thì cố gắng đi ngủ. Trầm cảm mà không điều trị là hại mình mà còn hại người khác nữa", Nam Em viết.
Những chia sẻ của Nam Em tiếp tục gây tranh luận. Một số ý kiến cho rằng cô đang thách thức dư luận và cơ quan chức năng.
“Cần có biện pháp mạnh hơn với Nam Em, có thể cấm hoạt động nghệ thuật vĩnh viễn nếu tiếp tục vi phạm”, “Vi phạm thì phải xử phạt, phạt hành chính rồi mà vẫn vi phạm thì khởi tố hình sự”, “Nên cấm Nam Em biểu diễn nghệ thuật để ngăn ngừa ảnh hưởng độc hại đến xã hội cũng làm gương cho những ai đang hành động bất chấp trên không gian mạng. Tôi ủng hộ chặn tài khoản của Nam Em”…
Tuy nhiên, cũng có khán giả phân tích nên nhìn nhận sự việc của Nam Em dưới góc độ tâm lý.
“Nam Em có biểu hiện của người mắc bệnh tâm lý nặng. Có bệnh thì nên chữa bệnh, chứ không phải có bệnh thì xử phạt”, “Trầm cảm là căn bệnh thực sự đáng sợ. Đáng tiếc cho Nam Em và nên xem xét để có biện pháp phù hợp”, “Ngăn chặn tài khoản của Nam Em là cần thiết nhưng chưa phải gốc rễ vấn đề. Tôi nghĩ cô ấy cần được điều trị bệnh”… là một số bình luận của người hâm mộ.
Sau khi đăng quang Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long 2015, Nam Em đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi Miss Earth 2016 và lọt vào top 8 chung cuộc. |
Nên làm gì với Nam Em?
Theo ghi nhận của Tiền Phong, tới chiều 11/4, tài khoản Facebook của Nam Em không còn xuất hiện trên thanh tìm kiếm. Cô cũng đặt chế độ riêng tư, hạn chế người xem trên tài khoản TikTok có một triệu lượt người theo dõi.
Như vậy, chỉ những người mà chủ tài khoản phê duyệt mới có thể follow, xem các video, xem live, đọc tiểu sử, lượt thích...
Đây được xem là động thái mới nhất của Nam Em sau hai lần bị xử phạt với tổng cộng 47,5 triệu đồng. Chưa ai biết Nam Em có hành động gì tiếp theo nhưng số đông khuyên cô nên hạn chế hoạt động trên mạng xã hội, ở ẩn một thời gian rồi trở lại showbiz.
Trong những chia sẻ gần đây, Nam Em gửi lời chào tạm biệt người hâm mộ và hứa hẹn khi nào tìm được động lực sống sẽ quyết định trở lại. Tuy nhiên, cô liên tục vướng ồn ào vì những dòng trạng thái gây hoang mang. Bên cạnh ý kiến Nam Em nên điều trị tâm lý cũng có người đề xuất phải xem xét, truy cứu trách nhiệm của quản lý Bùi Hữu Cường – người đồng thời là bạn trai của Nam Em.
“Chúng ta mới chỉ nhìn nhận ở phía Nam Em mà quên đi người bên cạnh có thể là tác nhân thời gian qua. Người này cũng liên tục có livestream với lời lẽ gây hấn, kích động và tục tĩu”, “Xử phạt Nam Em và cần xem xét trách nhiệm quản lý của cô ấy”… khán giả nêu ý kiến.
Trước đề xuất tước vương miện Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long 2015 của Nam Em, đại diện BTC cho rằng chưa có quy định cụ thể về việc này.
Hơn nữa, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi lúc ấy đã qua đời nhiều năm nay, rất khó cho những người cấp dưới đưa ra quyết định.
Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia truyền thông Ngô Hương Giang nói cần xem xét toàn diện xoay quanh câu chuyện của Nam Em.
“Qua những gì Nam Em thể hiện, tôi cảm nhận cô ấy đang bất ổn về mặt tâm lý, có thể là dạng tiền tâm thần. Nam Em đã từng bị xử phạt nhưng tiếp tục tái phạm có thể lý giải cô có vấn đề về tâm lý hoặc bị kích động bởi quyền lực ảo trên mạng xã hội tới mức bất chấp. Vì thế, cần xử lý Nam Em về mặt pháp lý và xem xét hình thức phù hợp nếu có bất ổn tâm lý. Để rõ ràng và tránh sai sót, cơ quan chức năng cần làm việc cụ thể, giám định tâm lý”, chuyên gia nói.
Về ý kiến cấm Nam Em hoạt động nghệ thuật, chuyên gia Ngô Hương Giang cho rằng phải cân nhắc.
“Nam Em không phải một nghệ sĩ chuyên nghiệp mà hoạt động nghệ thuật chủ yếu với vai trò mẫu ảnh, hát phòng trà… Vì vậy, việc cấm sóng hay cấm biểu diễn sân khấu chuyên nghiệp không khả quan. Trong trường hợp này, tôi nghĩ Nam Em cần sự bảo trợ của các hội, tổ chức nghề nghiệp”, chuyên gia nhấn mạnh.