Nên khống chế số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển Đại học?

Khó khăn cho các trường khi thí sinh đăng ký quá nhiều nguyện vọng
Khó khăn cho các trường khi thí sinh đăng ký quá nhiều nguyện vọng
TPO - Không nên cho thí sinh thoải mái đăng ký nguyện vọng như hiện nay. Đăng ký 5 nguyện vọng cũng đã là nhiều.

Đó là ý kiến của một số trường ĐH tại Hội nghị Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng các trường ĐH, Trường sư phạm do Bộ GD&ĐT tổ chức vừa qua.

Theo ông Nguyễn Vũ Quốc Huy, trường ĐH Y Dược, ĐH Huế cho rằng Bộ cần có một thống kê cụ thể xem số lượng thí sinh đăng ký từ nguyện vọng (NV) thứ 6 đến số 10 như thế nào. Nếu không đáng kể thì không cần thiết cho phép thí sinh đăng ký NV thoải mái như hiện nay. “Chỉ khoảng 5 NV là nhiều rồi. Không cần đến 10 NV. Bộ cần thống kê để đưa ra số liệu chính xác và tránh khó khăn trong lọc ảo” – ông Huy nói.

GS. Phạm Hồng Quang, giám đốc ĐH Thái Nguyên cũng đưa ra ý kiến nên cân nhắc việc cho thí sinh đăng ký thoải mái NV. Khi đã không đam mê, không theo đuổi thì không biết việc cho phép các em đăng ký tới 10 NV chẳng để làm gì.

Trả lời các câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD&ĐT, cho biết thống kê của năm 2018 cho thấy những NV từ 1 đến 3 trung bình khoảng 16 - 17%. 13% chỉ có 4 NV, 7% chỉ có 5 NV. Như vậy, từ NV thứ 6 trở lên là có tới 27%.

Theo bà Phụng nói, xu hướng làm luật hiện nay là ngày càng mở rộng quyền của các chủ thể. Vì vậy, chúng ta phải tính tới đến lúc có đủ cơ sở dữ liệu, đủ khả năng kiểm soát thì phải cho thí sinh trúng tuyển nhiều trường và nhập học tại một trường như các nước phát triển khác. Nên các trường phải chuẩn bị tinh thần để kiểm soát tình hình theo hướng đó. Nhìn chung, cần xác định việc tuyển sinh là phải sống chung với ảo.

Liên quan đến tuyển sinh, PGS. Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Bách khoa Hà Nội đưa ra một số con số thống kê thú vị từ nhóm xét tuyển miền Bắc thời gian qua.

Theo đó, số thí sinh nhóm ngành Công nghệ khu vực phía Bắc nhập học vào 60 trường ĐH giao động từ 30.000-31.000, tương đương khoảng 30% số lượng sinh viên trong 7 khối ngành khu vực phía Bắc. Như vậy, sức hút của ngành kỹ thuật và công nghệ rất hấp dẫn với thí sinh.

Nhưng xét về mặt cơ cấu tuyển sinh thì có sự bất hợp lý. Những ngành liên quan đến cuộc các mạng công nghiệp 4.0 thì thí sinh quan tâm và tạo sức hút lớn. Các trường không lo lắng tuyển sinh.

Một số ngành quan trọng đối với sự phát triển xã hội, đặc biệt trong xây dựng cơ bản như xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình thủy hay những ngành có liên quan đế sản xuất chủ chốt về hóa chất, luyện kim, vật liệu, cơ khí, kỹ thuật điện, môi trường tuyển sinh rất khó khăn.

Các trường đã ý thức được nguy cơ này nên truyền thông tuyển sinh mạnh mẽ, đưa ra các giải pháp như giảm học phí, tăng học bổng. Nhưng tâm lý e ngại của người học nói chung về điều kiện làm việc vất vả, chế độ đãi ngộ… vẫn ảnh hưởng đến số lượng tuyển sinh.

Nhiều chương trình đào tạo truyền thống của các trường lớn có đội ngũ cán bộ giảng dạy dạy giàu kinh nghiệm trình độ cao, cơ sở vật chất đáp ứng điều kiện đảm bảo chất lượng nhưng không có sinh viên theo học. Trong khi những ngành học hot như công nghệ thông tin, kỹ thuật máy tính, cơ điện tử, điện tử viễn thông rất đông đảo sinh viên theo học.

Nhưng một thực tế là các trường không thể đáp ứng được nguồn lực, cải thiện các điều kiện đáp ứng chương trình đào tạo một cách bài bản. “Có dấu hỏi về chất lượng đào tạo những ngành đang có sức hút này. Một số trường đã nhận thấy hậu quả của nó” – PGS. Nguyễn Phong Điền cho hay.

Trước tình hình này, mặc dù thí sinh định hình nhu cầu đào tạo nhưng PGS. Điền cho rằng Bộ cũng như các Bộ ngành liên quan cùng với các trường phải có chính sách để giải quyết một cách nghiêm túc, thấu đáo.

MỚI - NÓNG