> Phim Tết, cuộc đua không dễ dàng
> Sàn bất động sản nghỉ Tết sớm
Giáo sư Trần Ngọc Thêm. |
Ông nói: Nếu để ý chúng ta sẽ thấy, những lễ hội trong dịp Tết được nhiều nơi biết đến thì vai trò cộng đồng của nó rất lớn, đó không chỉ còn là hội làng mà như một lễ hội vùng. Các dân tộc Đông Bắc Á có Tết Trung Thu và Tết Nguyên đán.
Nước ta vốn là nước nông nghiệp, người dân chủ yếu là nông dân. Trước kia thành thị ít phát triển, nếu có thành thị thì nó cũng bị nông thôn hóa đi. Khi đó, từ làng quê đến thành phố đều ăn Tết như nhau.
Bây giờ, người bỏ làng đi làm ăn xa rất nhiều. Phần lớn họ vào thành phố. Tết với người thành phố khác trước nhiều. Bây giờ việc con cái về quê ăn Tết, tính bắt buộc không còn quá cao như ngày xưa. Tết có nhiều thay đổi, đặc biệt là với người thành phố. Đến ngày Tết, dân đô thị loay hoay không biết đi đâu, làm gì. Du lịch mãi cũng chán.
Thành phố cũng đầu tư nhiều tiền vào dịp Tết của mình đấy chứ, nào bắn pháo hoa, triển lãm, biểu diễn ca nhạc…
Chúng ta cũng đầu tư, thậm chí tốn kém, như làm “đường hoa” rất hoành tráng chẳng hạn. Nước khác không đầu tư lớn như vậy, nhưng họ đầu tư hiệu quả. Ở họ, tất cả các điểm văn hóa đều là trung tâm hết. Chẳng hạn có bao nhiêu bảo tàng, có bấy nhiêu điểm tổ chức các trò chơi mùa xuân. Người ta mặc quần áo truyền thống đến đó chơi, không mất tiền. Các di tích văn hóa lịch sử cũng mở cửa đón nhân dân đến vui chơi Tết. Họ tổ chức các trò chơi dân gian. Ngày thường vào di tích mất vé, đến Tết thì không.
Sống tại TPHCM, dịp Tết giáo sư thường đưa gia đình đi đâu?
Ở thành phố, chơi chợ hoa, đến công viên, đi tới đi lui hoài cũng chán. Có năm, sáng mồng một cả nhà tôi đi Bình Dương, chơi suối nước nóng ba ngày. Tôi đến suối nước nóng thấy người đông lắm, chật ních người! Tiếng bước chân rầm rập.
Tết vừa rồi tôi ra đường hoa Nguyễn Huệ, bị tắc đường. Đi cả tiếng đồng hồ mới ra khỏi đó được. Ngồi trên xe mà toát hết mồ hôi. Chỉ sợ xảy ra sự cố thì không biết chuyện gì sẽ đến.
Theo giáo sư, tổ chức Tết ở thành phố nên thế nào?
Phải làm sao để các sinh hoạt Tết ở thành phố, nhất là trong đêm giao thừa, phải phân tán ra, tránh tập trung hàng vạn người vào một địa điểm như quanh Hồ Gươm ở Hà Nội hay quanh đường hoa Nguyễn Huệ ở TPHCM.
Phải chăng đã đến lúc cần trả lại cái Tết lại cho người dân thành phố?
Phải đại chúng hóa cái Tết. Phải để cho đông đảo người dân thành phố tự tổ chức Tết cho họ. Quận nào, phường nào cũng có Tết. Không phải Tết do phường xóm tổ chức mà do các nhóm ngành nghề, tộc họ, khối tổ dân phố… họ tự sum vầy với nhau ở các tụ điểm văn hóa, các trung tâm, các di tích, triển lãm.
Nếu người dân được tham gia vào cái Tết của mình, tôi tin rằng dần dần người thành phố sẽ hình thành nên được cái Tết của riêng họ, không kém phần hấp dẫn.