Nên có Luật về công khai tài sản?

Nên có Luật về công khai tài sản?
TP - Trao đổi với Tiền Phong, nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc nói: "Vấn đề công khai, minh bạch tài sản của cán bộ công chức hiện nay của ta chưa rõ ràng, cho nên việc chống tham nhũng sẽ còn rất nhiều khó khăn".

> Xử nhẹ sao chống được tham nhũng?

Cũng theo ông Nguyễn Đình Lộc, cần phải có được những quy định rất cụ thể, chẳng hạn nên có một Luật về công khai tài sản. 

Thảo luận dự án Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng để chống tham nhũng hiệu quả, phải quy định được cơ chế về minh bạch tài sản?

Chỉ những người thành tâm, không mắc mớ vấn đề gì mới dám công khai tài sản, cho nên phải có những quy định chặt chẽ, khả thi - tức là phải ngăn chặn được thủ đoạn che giấu của người tham nhũng.

Vừa qua, vì đã có quy định, nên người ta buộc phải kê khai, nhưng công khai thì chưa thấy rõ. Mà nếu có công khai thì nhiều khi cũng là công khai một cách giả dối, họ sẽ tìm cách để đánh lừa cơ quan chức năng.

Cũng phải thừa nhận, vấn đề này chúng ta chưa vượt qua được thực tế, còn quá lúng túng và chưa biết phải làm thế nào.

Theo tôi, cần phải có được những quy định rất cụ thể, chẳng hạn nên có một Luật về công khai tài sản.

Ở các nước, anh nào có bao nhiêu tiền, bao nhiêu nhà, các cơ quan chức năng biết hết, vì họ có quy định rất rõ. Nhưng chúng ta thì không như vậy, có công khai cũng chỉ vài người biết.

Mặc dù chúng ta đã có quy định về kê khai tài sản, nhưng như ông nói người ta vẫn có thể giấu diếm, vậy phải làm sao để ngăn chặn việc này?

Với cơ chế hiện nay, một khối tài sản như nhà cửa, đất đai và cả tiền bạc, người ta đều có thể nhờ người này, người khác đứng tên hộ. Chúng ta vẫn thiếu một quy trình thật rõ ràng, cho nên việc kê khai, công khai chỉ là kêu gọi sự tự giác là chính.

Quy định hiện cũng còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc kê khai mang nặng tính hình thức. Những vụ việc thời gian qua cho thấy, tài sản thường bị tẩu tán dưới dạng cho đứng tên người thân là vợ chồng, con cái.

Trong những vụ việc đó, để xác định nguồn gốc tài sản đó thực chất của ai thì phải điều tra, rất mất công sức, có khi không thể tìm ra. Cái khó của chống tiêu cực, tham nhũng hiện nay là ở chỗ tài sản không minh bạch.

Nhưng khó hơn cả, đó là tham nhũng xảy ra ở chính trong các cơ quan nhà nước, ở những người có chức, quyền. Vì vậy, chúng ta cũng nên học hỏi kinh nghiệm một số nước.

Đồng thời, cần sớm có một hệ thống quy định chặt chẽ từ kê khai đến công khai tài sản. Chắc chắn khi đó sẽ hạn chế được tham nhũng, việc phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng cũng không khó khăn như bây giờ.

Khi mà tài sản người ta giấu diếm không có gì khó, người ta không kê khai nhưng cũng không bị ai kiểm tra gì, thậm chí cái phổ biến nhất là nhờ người khác đứng tên quá dễ dàng, thì tham nhũng vẫn chưa thể bị ngăn chặn.

Theo ông, cần quy định cơ chế như thế nào trong việc kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ, công chức - nhất là đối với những vị trí nhạy cảm, dễ tiêu cực?

Việc kê khai tài sản phải thực chất hơn, thường xuyên hơn, không nên làm với tính chất như một thủ tục như hiện nay. Quy định kê khai nhưng kê khai thế nào, ai kiểm tra giám sát vẫn là vấn đề bỏ ngỏ.

 "Phải có một chế định pháp luật về công khai tài sản thì mới giải quyết được vấn đề chống tham nhũng. Chống tham nhũng sẽ còn rất khó khăn, kéo dài nữa. Vì bản thân cách chúng ta chống tham nhũng hiện nay chưa phát huy được hiệu quả" 

Phải nói lâu nay chúng ta chưa thực sự đi vào công việc này một cách thực chất. Vì không kiểm tra, giám sát hiệu quả cho nên cuối cùng khi tham nhũng xảy ra rồi chúng ta mới vỡ nhẽ, mới ngỡ ngàng. Theo tôi, phải có quy trình chặt chẽ, rõ ràng và phải có giám sát. Nếu không, ngay lúc kê khai người ta đã tính làm thế nào để giấu bớt đi. Họ sẽ tính xem kê khai đến mức độ nào đó chứ không dại gì kê khai tất cả.

Kẽ hở lớn nhất bây giờ là chưa kiểm tra sự trung thực của người kê khai. Và mình cũng chưa có cơ chế để xử lý vấn đề đó. Nếu người kê khai biết rằng việc mình kê khai sẽ có người kiểm tra, giám sát chặt chẽ thì tình hình sẽ khác, người ta sẽ phải kê khai đầy đủ và trung thực hơn. Nhưng hiện nay kê khai xong thì đưa vào hồ sơ thôi chứ chưa kiểm tra.

Có nhiều ý kiến đề nghị phải công khai tài sản của cán bộ, công chức để nhân dân có cơ sở giám sát, ông nghĩ sao?

Công khai là rất quan trọng. Tất nhiên đây không phải đăng báo hay dán thông báo ở nơi anh sinh sống. Việc công khai tại tổ dân phố chỉ là một cách, khi thấy cần, chứ không nhất thiết phải đưa ra như vậy.

Vấn đề ở đây là cơ chế, để làm sao người dân muốn biết thì biết được ngay. Người ta có thể đến chỗ nào đó để kiểm tra thông tin, chứ không phải cứ công khai hết ra cho mọi người cùng biết. Vì điều đó cũng không phải là cách hay.

Cảm ơn ông.

Nguyễn Tuấn
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.