'Nay còn có cơm, còn mai thì chưa biết ra sao…'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Mười hai con người lớn có, bé có trú trong căn nhà trọ chưa tới 15m2 nhường nhau từng chén cơm ngày dịch khiến ai nhìn cũng thấy xót xa.

Bữa cơm chan nước

Trong cơn mưa nặng hạt khi Sài Gòn siết mạnh giãn cách, chúng tôi đến khu nhà trọ nằm trong con hẻm 5C Hồ Học Lãm (phường 16, quận 8, TPHCM). Thấy có khách, bà Võ Thị Nhàn (46 tuổi, quê Kiên Giang) ngại ngùng mời khách ngồi lên chiếc giường chỉ có vạc ván.

'Nay còn có cơm, còn mai thì chưa biết ra sao…' ảnh 1

Căn nhà trọ ọp ẹp nằm ngay con đường quanh năm triều cường, nước đen sẵn sàng ập vào nhà mỗi đêm

“Hơn 4 tháng nay, tôi bị tai biến liệt nửa người chỉ nằm một chỗ. Từ trụ cột gia đình, giờ mọi chuyện ăn uống đều cậy nhờ các con. Nhà có bao nhiêu tiền để dành thang thuốc cho tôi; các con trước đều bán cá ở chợ tự phát gần phà Phú Định. Giờ chợ dẹp rồi, tất cả đều thất nghiệp. Dịch bệnh mấy nay dữ quá khiến cuộc sống càng thêm khó khăn” – bà Nhàn khó nhọc giãi bày.

Căn nhà trọ lụp sụp, vách ngăn là những tấm ván ép đã bạc thếch, ọp ẹp rộng chừng 15m2 là nơi ăn ở của hơn chục con người trong gia đình bà Nhàn. Ngoài chiếc xe máy cà tàng làm phương tiện đi lại thì không còn món đồ nào quý giá.

“Các con lập gia đình nhưng cũng nghèo khó nên đều về đây sinh sống. Trong nhà còn có 5 đứa cháu. Do phòng chật chội quá nên tôi xin chủ nhà cho kê thêm chiếc giường ngoài hè, để phòng trọ cho các cháu ngủ, đỡ phần nào nắng mưa” – bà Nhàn nói.

'Nay còn có cơm, còn mai thì chưa biết ra sao…' ảnh 2

Bà Nhàn (bìa trái) bị tai biến liệt người hơn 4 tháng nay. Từ người phụ nữ trụ cột, lo cho hơn chục con người trong gia đình, giờ bà Nhàn bất lực ngồi một chỗ, nhìn cả gia đình thất nghiệp, lo đói từng ngày...

Chúng tôi khá bất ngờ khi bà Nhàn đang ăn cơm chỉ với nước trắng. Bà nói, chan nước cho dễ nuốt. “Hôm nay còn cơm ăn là may rồi, chứ mai mốt không biết ra sao. Nói thiệt, từ đầu mùa dịch tới giờ, chúng tôi cũng được địa phương hỗ trợ 3 lần, có cho gạo, trứng nhưng nhà đông người quá, để dành món ngon cho các cháu, còn mình ăn sao cũng được” - người phụ nữ từng là trụ cột gia đình bộc bạch.

Không biết trụ được bao lâu

Chị Nguyễn Thị Thu Trúc (27 tuổi), con dâu bà Nhàn đang mang thai đứa con thứ 3 được gần 5 tháng. Hỏi chuyện khám thai, bồi dưỡng sức khỏe… Nhìn xuống chiếc bụng lùm lùm, chị nén tiếng thở dài: “Tiền ăn không có, em chẳng dám nghĩ đến chuyện khám thai. Mười mấy con người tằn tiện từng hột gạo, bữa sáng bữa trưa gom chung làm một, đỡ đồng nào hay đồng nấy. Có bữa cơm ăn no bụng là mừng lắm, còn chuyện bồi dưỡng thì… thôi vậy”.

'Nay còn có cơm, còn mai thì chưa biết ra sao…' ảnh 3

Đứa cháu nội 2 tuổi của bà Nhàn hớn hở khi được cho trái dừa, liền uống ngon lành

Chồng chị Trúc mấy tháng nay xin việc khắp nơi mà không ai nhận, số tiền dành dụm ngày càng vơi. “Chúng tôi cũng có gắng xin việc, ai thuê gì cũng nhận nhưng ngặt nỗi mùa này không ai thuê mướn gì. Cách đây mấy ngày, cả gia đình gom hết đồ đạc, dắt díu nhau về quê nhưng ra tới quốc lộ thì không được qua đành phải quay về” – chị Trúc cho biết.

Những người nhà bà Nhàn cho biết, về quê có khi còn có cọng rau, con cá mà ăn; còn ở lại giờ không biết lấy gì sinh sống. Việc làm không có, ăn bữa nay lo đói bữa mai; chưa kể còn đủ thứ tiền nhà trọ, tiền điện nước… Khoảng tiền thuê trọ gần 3 triệu đồng/tháng là gánh nặng của những con người khốn khó này.

Trước nhà, dòng nước cống đen ngòm, mỗi lần triều cường lên, nước tràn vào phòng trọ làm ướt hết đồ đạc. Những đêm dài, cả gia đình bà Nhàn thức trắng chờ triều cường rút đã thành chuyện quen thuộc. Còn bây giờ, những ngày đói nhiều hơn ngày no cũng đang dần hiện diện trong cuộc sống của người nghèo những ngày dịch.

'Nay còn có cơm, còn mai thì chưa biết ra sao…' ảnh 4

Những con người khốn khó, thất nghiệp, bệnh tật "mắc kẹt" giữa Sài Gòn, và không biết những ngày tới sẽ lấy gì để ăn khi không có việc làm.

Khi chúng tôi hỏi gia đình đã làm đơn để phường, xã hỗ trợ… Mọi người đều lắc đầu cho biết, đã từng làm đơn kêu cứu nhiều lần nhưng tới giờ vẫn chưa được hỗ trợ gì.

Trong cuộc trò chuyện, bà Nhàn khoe, đứa con trai của bà vừa được gọi đi tiêm vắc-xin ngừa COVID-19. “Mừng lắm, tui nghe nói được tiêm mũi này thì mai mốt dễ xin việc làm lại phải không cô? Chỉ cầu mong có việc làm, có cái ăn chứ ở không thế này thêm ngày nào là đói ngày đó” – bà Nhàn rớm nước mắt.

Nội dung vận động của chương trình ‘Cùng Tiền Phong tiếp sức tuyến đầu chống dịch COVID-19’

I. CÁC LOẠI NGUỒN LỰC TIẾP NHẬN

1. Tiền: Bằng hình thức chuyển khoản hoặc tiền mặt

2. Vật phẩm: Bao gồm nhu yếu phẩm và vật tư y tế

2.1. Máy móc, vật tư y tế:

- Vật tư y tế: Khẩu trang N95; Test nhanh COVID-19, quần áo bảo hộ cấp độ 3-4, tấm chắn giọt bắn, găng tay y tế, bình oxy, đồng hồ oxy, mặt nạ thở, xe đẩy bình oxy, bơm tiêm điện, nhiệt kế, bóng Abu, quần áo (dành cho bác sỹ, nhân viên y tế, bệnh nhân), nệm và tấm ga trải gường bệnh nhân (kích thước 90cm x 190cm x 5cm), cồn y tế, dép nhựa, sữa dành cho bệnh nhân.

- Máy móc y tế: Máy thở dòng cao, máy thở xâm lấn, máy Spo2 (máy đo nồng độ oxy trong máu), máy mornitor theo dõi bệnh nhân, máy siêu âm/máy siêu âm tim, máy chụp xquang di động, máy đo huyết áp tự động, máy đo đường huyết, máy hút đờm nhớt, máy khí động mạch, máy/bình phun khử khuẩn, máy nước nóng lạnh, xe cứu thương.

2.2. Nhu yếu phẩm:

- Lương thực: Gạo tẻ, gạo nếp, vừng, đậu, ngô, khoai, sắn, bột, tinh bột (các sản phẩm từ bột, tinh bột).

- Thực phẩm: Thịt, cá đã chế biến, có thể bảo quản nhiều ngày trong nhiệt độ thường, các loại củ quả.

- Hàng công nghệ phẩm: Bánh, kẹo, muối, bột nêm, gia vị, nước mắm, đường, dầu thực vật, mỳ gói, lương khô.

- Nước uống, nước ngọt đóng chai, lon, thùng, túi và sữa các loại.

- Các nhu yếu phẩm cần thiết khác: Khẩu trang y tế; sản phẩm dùng để tẩy rửa, tắm giặt, gội; cồn, nước kháng khuẩn.

Các vật phẩm khác, chương trình cũng sẵn sàng tiếp nhận nhưng cần trao đổi, thống nhất trước, qua số điện thoại: 0977456112

II. NƠI TIẾP NHẬN

1. Tiếp nhận tiền qua tài khoản của báo Tiền Phong số: 1231.0000.062175, tại Ngân hàng BIDV, chi nhánh Quang Trung, Hà Nội, ghi nội dung chuyển khoản: “ung ho chong dich”

2. Tiếp nhận tiền mặt và vật phẩm:

2.1. Báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội, Điện thoại: 0977456112 2.

2.2. Ban đại diện tại TP HCM, 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, Quận 3, Điện thoại: 0913878567

2.3. Ban Đại diện tại Miền Trung, 19 Ngô Gia Tự, Đà Nẵng, Điện thoại: 0905203456

2.4. Ban Đại diện tại Nghệ An, 21 Hồ Xuân Hương, TP Vinh, Nghệ An. Điện thoại: 0943909979

2.5. Ban Đại diện tại Đồng bằng sông Cửu Long, số 41 Cách mạng Tháng 8, Q. Ninh Kiều, TP Cần Thơ. ĐT: 0939290582

2.6. Ban đại diện tại Tây Nguyên, 52 Trần Nhật Duật, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Điện thoại: 0904150538

2.7. Văn phòng đại diện tại Bắc Giang, toà nhà các đơn vị sự nghiệp tỉnh Bắc Giang, đường Quách Nhẫn, TP Bắc Giang. Điện thoại: 0988104913

Bạn đọc tại các tỉnh thành khác ủng hộ chương trình xin liên hệ qua hotline báo Tiền Phong: 0977456112.

Báo Tiền Phong sẽ tổ chức mua/vận chuyển vật tư, thiết bị y tế, hàng hoá và trao cho các địa chỉ cần theo phương thức trực tiếp hoặc qua hệ thống tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Trân trọng cảm ơn!

MỚI - NÓNG