Khi những tia sáng chiếu xuống ngôi làng Villaseca, Chile, cô Luisa Ogalde đặt một nồi chứa đầy thịt dê vào một chiếc hộp, rồi đặt nghiêng nó theo hướng mặt trời. Cô giải thích rằng món thịt sẽ được hầm trong 4 tiếng, và sẽ từ từ biến thành những miếng thịt ngon ngọt và mềm đến mức bạn có thể cắt nó bằng nĩa.
Trong một chiếc hộp khác gần đó, cô Ogalde đặt gạo, cô nói sẽ mất 40 phút để nấu chín. Các hộp khác chứa thịt thỏ, thịt gà và thịt lợn, thức ăn sẽ sôi sùng sục trong khoảng hai giờ dưới những tia nắng gay gắt ở rìa phía nam của sa mạc Atacama.
Một lò năng lượng mặt trời được cải tiến |
“Điểm cộng của việc sống ở đây là chúng tôi có mặt trời vào mọi ngày trong năm”, cô Ogalde giải thích. Vì thế, cô có thể sử dụng năng lượng mặt trời - thay vì ga, điện hoặc củi - cho nhà hàng Entre Cordillera Restobar của cô, mở cửa vào năm 2018.
Cô Ogalde thuộc thế hệ đầu bếp đầu tiên mở nhà hàng năng lượng mặt trời ở sa mạc Atacama rực nắng của Chile, vùng đất được biết đến là nơi khô hạn nhất thế giới.
Câu chuyện về cách nấu ăn độc đáo của người Chile bắt đầu từ mẹ của cô Ogalde, bà Francisca Carrasco, người tiên phong nấu ăn bằng năng lượng mặt trời. Dần dần, các gia đình đã học hỏi theo và ngày càng hoàn thiện phương pháp nấu ăn mới này. Họ nhận thấy, bếp năng lượng mặt trời hình parabol tập trung nhiệt cực nhanh. Trong khi đó, những lò nướng dạng hộp vừa có thể nấu chậm các món hầm, vừa có thể nướng bánh mì và làm các món tráng miệng.
Một hệ thống bếp năng lượng mặt trời ngoài một nhà hàng |
“Villaseca đã trở thành ngôi làng đầu tiên ở Chile sử dụng năng lượng mặt trời để nấu ăn”, ông Juan Ibacache, thư ký của Hiệp hội Nghệ nhân Năng lượng Mặt trời Chile, kể lại. “Ban đầu chỉ là mọi người nấu ăn cho gia đình mình, nhưng sau đó việc này lại thu hút nhiều du khách nước ngoài đến thị trấn để được chứng kiến và ăn thức ăn nấu bằng mặt trời”.
Trên ốc đảo sa mạc nhỏ bé Pica, ở cực bắc Atacama, cô Ruth Moscoso là chủ nhà hàng năng lượng mặt trời Qori Inti, có nghĩa là “mặt trời rạng rỡ” trong ngôn ngữ bản địa của cô. Cô sử dụng bốn bếp năng lượng mặt trời hình parabol để chế biến các món ăn truyền thống của vùng Andes.
Một góc sa mạc Atacama của Chile, nơi khô hạn nhất thế giới |
“Nền văn hóa của chúng tôi có nhận thức cao về môi trường”, cô Moscoso nói. “Vì vậy, chúng tôi đã tìm cách kết hợp truyền thống bảo vệ Mẹ Trái đất với lối sống tiết kiệm và tối ưu hóa những gì chúng tôi đã có ở đây, đó là nhiệt mặt trời. Vì vậy, nó thực sự là một giao thoa giữa truyền thống và đổi mới”.
Phương pháp nấu ăn được một số người chăn dê làng Villaseca khởi xướng vài thập kỷ trước, giờ đây trở thành một xu hướng ngày càng phổ biến ở miền bắc Chile. Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Mặt trời Chile cũng đặt mục tiêu thu hút thêm nhiều người nấu ăn bằng ánh nắng mặt trời. Vào đầu năm nay, họ đã tạo một bản hướng dẫn để bất cứ ai có một vài công cụ cơ bản đều có thể tự làm lò nướng năng lượng mặt trời của mình tại nhà.