> Syria bắn rơi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ
Một chiếc máy bay chiến đấu RF-4E của không lực Thổ Nhĩ Kỳ. |
Bà Oana Lungesku, đại diện của NATO, cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu tham vấn theo quy định tại Điều 4 của Hiến chương NATO. Theo quy định, bất kỳ quốc gia thành viên của NATO có thể yêu cầu tư vấn, nếu họ bị đe dọa toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị và an ninh.
Tại cuộc họp, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trình bày báo cáo về sự cố với máy bay bị bắn rơi, đồng thời đưa ra tham vấn các thành viên NATO các kiến nghị xử lý sự cố.
Ngày 24-6, kênh truyền hình TRT, Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, một nhóm cứu hộ đã phát hiện được xác máy bay trinh sát RF-4 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ tại vùng biển Địa Trung Hải ở độ sâu khoảng 1.000-1.300m.
Máy bay trinh sát RF-4E biến mất trên biển Địa Trung Hải, gần bờ biển Syria lúc 9h (giờ GMT) ngày 22-6.
Damascus tuyên bố bắn rơi chiếc máy bay Thổ Nhĩ Kỳ khi nó xâm phạm không phận Syria. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Syria đã gọi tình huống bất thường này là "sự cố không nhằm chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, mà là để bảo vệ chủ quyền Syria".
Trong khi đó, Ankara không hài lòng với lời giải thích như vậy và đe dọa trừng phạt quốc gia Trung Đông này.
Ngoại Trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cáo buộc Syria đã bắn hạ chiếc phản lực trinh sát RF-4E trên không phận quốc tế.
Ngay lập tức, Ngoại trưởng Anh William Hague cũng lên án “hành động tàn bạo này” và tuyên bố hành động đó càng cho thấy sự cần thiết phải thay thế Tổng thống Syria Bashar Assad.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng gọi việc bắn hạ máy bay là “một hành động vô liêm sỉ và không thể chấp nhận được” và cho rằng hành động đó “lại là sự phản ánh việc chính quyền Syria coi thường thông lệ quốc tế, mạng sống con người, hòa bình và an ninh”.
Ngoại trưởng Mỹ cam kết sẽ hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ “và các đối tác khác để khiến chính quyền Syria phải chịu trách nhiệm”.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc yêu cầu Ankara và Tehran kiềm chế, đồng thời cho biết Liên Hợp Quốc sẵn sàng giúp Syria và Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết tình hình xung quanh chiếc máy bay bị bắn rơi bằng con đường ngoại giao.
Người đứng đầu Liên Hợp Quốc cũng cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng mà vụ việc với chiếc máy bay có thể gây ra cho toàn bộ khu vực.
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria từng một thời là đồng minh đã xấu đi nhanh chóng kể từ khi nổ ra các làn sóng biểu tình chống đối Tổng thống Syria Bashar al-Assad hồi tháng 3-2011.
Đầu năm 2012, Thổ Nhĩ Kỳ rút các nhân viên ngoại giao của mình khỏi Damascus. Tiếp đó, Ankara đã tiếp nhận hơn 30.000 dân thường Syria lánh nạn, và hồi đầu tháng này là nước chủ nhà cho một cuộc họp quan trọng của các nhà hoạt động Syria đối lập chống Tổng thống Assad.
Theo giới phân tích, sau vụ Syria bắn rơi máy bay RF-4E của Thổ Nhĩ Kỳ, căng thẳng giữa Tehran và Ankara sẽ tiềm ẩn những diễn biến khó lường.