Việc triển khai diễn tập nói trên nằm trong kế hoạch đảm bảo hoạt động liên tục của NAPAS nhằm tuân thủ Thông tư 09/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về Quy định an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng, qua đó đảm bảo hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử ngân hàng ổn định, an toàn và thông suốt.
Căn cứ điều 52, Thông tư 09/2020/TT-NHNN của NHNN ban hành ngày 21 tháng 10 năm 2020, NAPAS đã xây dựng kế hoạch và phối hợp với các ngân hàng thành viên thực hiện diễn tập định kỳ 6 tháng một lần vào tháng 4 và tháng 10 hàng năm để chuyển đổi hệ thống kỹ thuật từ Trung tâm dữ liệu chính (DC) về Trung tâm dữ liệu dự phòng (DR) và vận hành hệ thống tại Trung tâm dự phòng từ 03 đến 05 ngày. Việc chuyển đổi nhằm tăng cường khả năng ứng phó trước các tình huống bất ngờ có thể xảy ra đối với hệ thống kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử luôn duy trì sự an toàn, ổn định và thông suốt.
Theo đó, thời gian chuyển đổi hệ thống kỹ thuật của NAPAS từ Trung tâm dữ liệu chính (DC) về Trung tâm dữ liệu dự phòng (DR) được diễn ra từ 00h00 đến 01h00 ngày 28/10/2024, và sau đó chuyển đổi ngược lại từ Trung tâm dữ liệu dự phòng (DR) về Trung tâm dữ liệu chính (DC) từ 00h00 đến 01h00 ngày 01/11/2024. Các dịch vụ sẽ lần lượt được chuyển đổi, tổng thời gian thực hiện theo kế hoạch của các hệ thống không quá 60 phút, trong đó dịch vụ chuyển nhanh NAPAS 247 tạm dừng không quá 20 phút. Việc sắp xếp khung giờ diễn tập phù hợp đã được NAPAS và các NHTV tính toán nhằm giảm thiểu tác động đến chất lượng dịch vụ cũng như hạn chế ảnh hưởng đến giao dịch chuyển tiền/ thanh toán của người dân.
Trước khi thực hiện, NAPAS đã báo cáo kế hoạch, nội dung diễn tập chuyển đổi hoạt động của các hệ thống từ Trung tâm dữ liệu chính sang Trung tâm dữ liệu dự phòng tới Cục Công nghệ thông tin NHNN; đồng thời chủ động thông báo cho toàn bộ các NHTV để có sự chuẩn bị nguồn lực triển khai phối hợp và giảm thiểu các tác động tới khách hàng.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động thanh toán điện tử những năm gần đây, hệ thống NAPAS cũng ghi nhận sự tăng trưởng nhanh chóng về số lượng và giao dịch thanh toán. Tính đến 30/9/2024, giao dịch qua NAPAS tăng trưởng khoảng hơn 32% về số lượng và 18% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2023. Trong vai trò đơn vị chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử cho các giao dịch bán lẻ, NAPAS luôn đặt mục tiêu hàng đầu là đảm bảo hệ thống vận hành ổn định, an toàn và thông suốt. NAPAS đã đẩy mạnh triển khai các hạ tầng công nghệ thông tin, tối ưu giải pháp đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ đó, hệ thống NAPAS đã đáp ứng yêu cầu về thời gian hoạt động liên tục, thông suốt đảm bảo hơn tỷ lệ tối thiểu là 99,98% theo mục tiêu phát triển hệ thống thanh toán Việt Nam đến năm 2030.
Trong thời gian tới, NAPAS tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thành viên triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, song song với tăng cường công tác trực 24/7 để sẵn sàng hỗ trợ các ngân hàng, trung gian thanh toán và doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm lễ, Tết.
Thông tin tham khảo về Thông tư 09/2020/TT-NHNN của NHNN ban hành ngày 21 tháng 10 năm 2020 về Quy định an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng Tại đây
Trích dẫn Điều 52 tại Thông tư 09/2020/TT-NHNN quy định đối với việc Tổ chức triển khai bảo đảm hoạt động liên tục của hệ thống thông tin như sau:
1. Tổ chức phải có kế hoạch và tổ chức triển khai bảo đảm hoạt động liên tục hệ thống thông tin (ngoại trừ các hệ thống thông tin chính và dự phòng hoạt động song song) theo các yêu cầu sau:
a) Tối thiểu sáu tháng một lần, tiến hành kiểm tra, đánh giá hoạt động của hệ thống dự phòng;
b) Thực hiện chuyển hoạt động từ hệ thống chính sang hệ thống dự phòng và hoạt động chính thức trên hệ thống dự phòng tối thiểu 1 ngày làm việc của từng hệ thống thông tin theo danh sách tại khoản 2 Điều 49 Thông tư này, một năm một lần đối với hệ thống thông tin từ cấp độ 4 trở lên, hai năm một lần đối với hệ thống thông tin từ cấp độ 3 trở xuống; đánh giá kết quả và cập nhật các quy trình, kịch bản chuyển đổi (nếu có). Trường hợp không thể chuyển đổi hoạt động trong ngày làm việc, hệ thống dự phòng phải được thiết lập có cùng công suất, cấu hình với hệ thống chính và định kỳ hàng năm thực hiện chuyển đổi, kiểm tra tính sẵn sàng của hệ thống dự phòng.
2. Các tổ chức chỉ có một trụ sở làm việc tại Việt Nam (trừ tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân cơ sở) phải tổ chức thực hiện diễn tập bảo đảm hoạt động liên tục định kỳ hàng năm.
3. Tổ chức phải thông báo kế hoạch, nội dung và kịch bản diễn tập chuyển đổi hoạt động liên tục cho Ngân hàng Nhà nước (Cục Công nghệ thông tin) chậm nhất là 5 ngày làm việc trước khi thực hiện qua địa chỉ thư điện tử antt@sbv.gov.vn.