Nâng tầm nông sản Đà Lạt

Thu hoạch xà lách vào sáng sớm rồi lưu trữ ở nhiệt độ thấp.
Thu hoạch xà lách vào sáng sớm rồi lưu trữ ở nhiệt độ thấp.
TP - Bị hạn chế ở công nghệ sau thu hoạch và xây dựng thương hiệu nên dù chất lượng sản phẩm không khác nhau nhiều nhưng giá trị sản sinh từ 1ha đất của Đà Lạt thấp hơn khoảng 8 lần so với Malaysia. Nhật Bản đang hỗ trợ Đà Lạt triển khai một số biện pháp nhằm thu hẹp khoảng cách này. 

Sau quá trình khảo sát kéo dài hàng năm, JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) nhận định rau Đà Lạt-Lâm Đồng thiếu nền tảng tạo ra sự khác biệt và tăng giá trị gia tăng: Chưa hình thành sản xuất tập trung quy mô lớn, hoạt động sau thu hoạch (phân loại, đóng gói và bảo quản lạnh) còn chưa phát triển. Đây không chỉ là nút thắt cho thị trường xuất khẩu mà ngay tại thị trường nội địa, rau Đà Lạt cũng mất dần thị phần vào các loại rau củ từ Trung Quốc.

Máy phân loại nông sản

Hầu hết các nông hộ ở Lâm Đồng không có khâu phân loại và đóng gói; nông sản làm ra thường bán xả cùng một giá cho thương lái. Đối với các hợp tác xã (HTX) và Cty, khâu sau thu hoạch còn rất đơn giản, thô sơ và chưa hiệu quả. Một số HTX có sản phẩm đạt chất lượng tốt, cung cấp cho hệ thống siêu thị lớn tại Việt Nam nhưng công đoạn phân loại sản phẩm cũng khá sơ sài và phải vận chuyển đi bán ngay sau khi thu hoạch. Hơn thế, không thể nhận biết được thương hiệu của các HTX và doanh nghiệp này do không có bao bì đóng gói và nhãn hiệu.

Cty TNHH SX-TM Nông sản Phong Thúy (Cty Phong Thúy) là doanh nghiệp có trang trại trồng rau lớn bậc nhất ở Lâm Đồng, áp dụng phương thức sản xuất hiện đại nhưng khâu sau thu hoạch còn nhiều bất cập. Để được cung ứng nông sản cho siêu thị cao cấp, Cty này phải thực hiện thêm công đoạn phân loại và đóng gói bao bì sản phẩm. Tuy nhiên, tất cả các công đoạn từ tuyển chọn nông sản, đến đóng bao bì và dán nhãn mác đều được thực hiện thủ công nên tốn rất nhiều công lao động. Chi phí cho khâu này của Cty Phong Thúy chiếm tới 12- 15% tổng chi phí, trong khi tại các quốc gia như Nhật Bản và Malaysia chỉ vào khoảng 2- 5%.

Nhận thấy khâu sau thu hoạch có vai trò rất quan trọng, giúp tăng chất lượng và giảm thiểu hao hụt đáng kể, JICA đã tài trợ hệ thống máy phân loại nông sản cho Cty Phong Thúy với công suất thiết kế thực tế đạt 2,5 tấn mỗi giờ. Theo ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Cty Phong Thúy, từ khi có máy phân loại, năng suất phân loại cà chua của công ty tăng từ 120 tấn/tháng lên 200 tấn (tăng 66%), trong khi đó công lao động giảm tới 75%. Máy có khả năng phân loại sản phẩm cà chua theo các tiêu chí về kích thước, màu sắc, đáp ứng yêu cầu đặt hàng từ các siêu thị và chợ đầu mối trong nước. Bởi hệ thống máy này hoạt động rất hiệu quả nên công ty đã liên kết các hộ trồng rau đầu tư thêm 20 máy rửa và đánh bóng cho các cơ sở trên địa bàn huyện Đức Trọng.

Hình thành 6 trung tâm sau thu hoạch

Từ những mô hình thí điểm thành công như ở Cty Phong Thúy, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch nhân rộng, tiến tới hình thành 6 trung tâm sau thu hoạch giai đoạn 2017- 2020 với kinh phí thực hiện 309 tỷ đồng. Công suất chế biến từ 50.000- 120.000 tấn sản phẩm mỗi năm tại mỗi trung tâm. Mục tiêu đưa tỷ lệ sản phẩm rau, củ, quả được qua sơ chế, chế biến, bảo quản và phân loại đúng quy trình kỹ thuật đạt từ 25-30%, giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 10%, giảm tỷ lệ nông sản xuất bán thô; nâng cao giá trị, sức cạnh tranh, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt cho rằng, trước mắt sẽ hợp tác đầu tư mạnh công nghệ sau thu hoạch tại khu công nghiệp, nông nghiệp chuyên xuất khẩu cho Nhật Bản vì sản lượng một số loại nông sản như cà chua, cà rốt, khoai tây của Đà Lạt ngày càng tăng, có xu hướng dư thừa.

Đánh giá các sản phẩm nông nghiệp của Đà Lạt (Lâm Đồng) có tiềm năng lớn tại thị trường Nhật Bản nên JICA đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp của địa phương này nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn của Nhật Bản để có thể xâm nhập thị trường và xây dựng lộ trình xuất khẩu nông sản sang chính thị trường Nhật Bản...

Rau Trung Quốc đang có vấn đề lớn về chất lượng và quản lý an toàn. Người tiêu dùng Việt Nam lo lắng về an toàn vệ sinh khi tiêu thụ nông sản Trung Quốc nhưng rất khó phân biệt nông sản Lâm Đồng với sản phẩm cùng loại của nước này; ngoài ra nông sản Trung Quốc thường bắt mắt về kích cỡ, màu sắc và hình thức bên ngoài. Chẳng hạn, qua khảo sát cho thấy chỉ có 18% người tiêu dùng có thể nhận biết sự khác biệt giữa khoai tây Đà Lạt và khoai Trung Quốc. 

MỚI - NÓNG
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
TPO - Lầu ông Hoàng là một di tích tham quan nổi tiếng tọa lạc trên ngọn đồi tuyệt đẹp ở phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Mặc dù đã được tỉnh Bình Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng đến nay Lầu ông Hoàng có nhiều hạng mục bị xuống cấp, chưa được nâng cấp và trùng tu đúng mức.