Năng suất lao động - mệnh lệnh trong đổi mới, phát triển

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau thời gian dài khốn khó bởi đại dịch cùng nhiều “cơn gió ngược” khác, việc phục hồi kinh tế Việt Nam và thế giới được chuyên gia dự báo sẽ theo hình “chữ U” với đáy rất dài. Tăng năng suất lao động trở thành vấn đề cấp bách cho cả trước mắt và lâu dài.

1% đổi lấy 0,95 điểm

Tại phiên họp thẩm tra về tình hình kinh tế xã hội, Bộ KH&ĐT nhận định, năm 2023, dự kiến có khoảng 5/15 chỉ tiêu “khó về đích”, trong đó có tốc độ tăng năng suất lao động xã hội. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, chất lượng tăng năng suất lao động năm thứ 3 liên tiếp không đạt chỉ tiêu, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa, chất lượng nền kinh tế.

Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh (Phó trưởng đoàn Ninh Bình) nói, tăng năng suất lao động là yêu cầu cấp bách, bởi đây chính là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng. Bà Thanh tính toán, cứ tăng 1% năng suất lao động sẽ giúp tăng 0,95 điểm phần trăm GDP. Ngoài yếu tố chất lượng lao động, theo bà Thanh, còn nhiều tác động khác, như nhu cầu tiêu dùng, yếu tố tiền lương, hay vấn đề thể chế… Do vậy, Chính phủ cần coi đây là chỉ tiêu quan trọng, cần thiết phải hoàn thành, trên cơ sở đưa ra những giải pháp căn cơ, đột phá.


Năng suất lao động - mệnh lệnh trong đổi mới, phát triển ảnh 1

Tăng 1% năng suất lao động sẽ tăng 0,95 điểm phần trăm GDP. Ảnh: Như Ý.

“Tăng năng suất lao động là con đường tốt nhất để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, thịnh vượng”, khẳng định điều này, tại diễn đàn Quốc hội, nữ đại biểu đoàn Ninh Bình cũng đề xuất thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia và quyết tâm hoàn thiện môi trường, thể chế pháp luật. “Cần sớm thành lập Ủy ban này để hình thành bộ máy cơ quan chuyên sâu về năng suất quốc gia, thực hiện nhiệm vụ điều phối, phối hợp các động lực tăng trưởng năng suất quốc gia của Việt Nam”, bà Thanh lý giải.

“Nâng cấp doanh nghiệp và nâng cao năng suất lao động chính là mệnh lệnh cho việc đổi mới”, đưa ra nhận định này, TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội dẫn chứng, Việt Nam đang có gần 6 triệu chủ thể kinh doanh - một con số không hề nhỏ, song chất lượng lại không cao và năng suất lao động đang tụt hậu. Ông dự báo, việc phục hồi kinh tế Việt Nam và thế giới sẽ theo hình “chữ U” với đáy rất dài. Đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi quyết sách mạnh mẽ trong thời gian tới.

“Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu về số lượng du học sinh tại Mỹ và châu Âu. Đây là nguồn lao động trình độ cao, giỏi công nghệ và hứa hẹn là nhà khoa học hàng đầu. Do vậy, cần thu hút họ vào các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước để đóng góp cho sự phát triển”. ông Jonathan Pincus

“Chúng ta cần gấp rút xây dựng một chương trình quốc gia để nâng cấp các doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế song song với chương trình quốc gia tăng năng suất lao động, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tôi mong Quốc hội, Chính phủ sẽ có những nỗ lực trong thời gian tới để tiếp tục cải cách thể chế nhằm tạo ra bước đột phá”, ông Lộc kỳ vọng.

Theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, chất lượng cung lao động hiện còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu của một thị trường lao động hiện đại, bền vững. Hiện có khoảng 38,3 triệu lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên. Đây là thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động. Cơ quan này cũng cho rằng, thị trường lao động Việt Nam vẫn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ, có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế… Chính sách tiền lương còn thấp, chưa thực sự tạo động lực để cán bộ công chức toàn tâm, toàn ý với công việc. Đây cũng là một trong những yêu cầu cấp thiết đặt ra, cần sớm được giải quyết để tăng năng suất lao động.

“Cú hích” tiền lương

Tại diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 vừa qua, ông Jonathan Pincus, chuyên gia đến từ Tổ chức phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam lưu ý, việc tăng năng suất lao động cần nhìn nhận một cách dài hơi thay vì trong giai đoạn ngắn hạn. Ông dẫn chứng, tại Thái Lan và Malaysia, đạt mức tăng năng suất ấn tượng từ 5,6-16,3% vào giai đoạn 1989-1999, song tốc độ chững lại đáng kể từ sau thời điểm khủng hoảng tài chính châu Á.

Theo ông, nguyên nhân lọt vào “bẫy” năng suất trung bình là không nâng cấp chiến lược phát triển, chậm tận dụng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Việt Nam sẽ phải làm gì để tránh rơi vào “bẫy” như một số nước? Ông Jonathan Pincus cho rằng, Chính phủ phải tạo những “cú hích” lớn trong đổi mới sáng tạo quốc gia, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu phát triển, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Lê Hoa - Trưởng phòng Nghiên cứu năng suất (Viện Năng suất Việt Nam) cho rằng, Việt Nam đang thiếu hụt lao động lành nghề có kỹ năng cao; thành phần kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng lớn nhưng hầu hết là quy mô nhỏ và siêu nhỏ, khó có thể nâng cao năng suất lao động. Dù đã có nhiều chính sách lớn nhằm nâng cao năng suất lao động, như đổi mới mô hình tăng trưởng, giải quyết thủ tục hành chính, đổi mới khoa học công nghệ sáng tạo, tuy nhiên, quá trình thực thi chính sách còn chậm, chưa có sự tham gia tích cực từ phía doanh nghiệp. Theo bà Hoa, chủ trương này cần được triển khai mạnh mẽ hơn. Đồng thời, Nhà nước cần tạo điều kiện thúc đẩy nguồn lực và tạo điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát huy vai trò trong việc tăng năng suất lao động.

Năng suất lao động - mệnh lệnh trong đổi mới, phát triển ảnh 2

“Nguồn nhân lực là động lực nội sinh cốt lõi của nền kinh tế. Ngân hàng Thế giới cho rằng, giải pháp chủ yếu để đạt được tốc độ tăng trưởng năng suất cao hơn nằm ở việc cải thiện các đặc điểm của lực lượng lao động trẻ hiện nay. Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đề nghị nghiên cứu triển khai cấp bằng hoặc giấy chứng nhận hành nghề một cách thực chất theo tiêu chuẩn quốc tế, đúng với năng lực chuyên môn và kỹ năng của người lao động; giúp nâng cao trình độ, tính cạnh tranh của lực lượng lao động trong nền kinh tế”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn kinh tế xã hội năm 2023

Với nguồn lực lao động khu vực công, theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức còn thấp, chưa thực sự tạo động lực, khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức tâm huyết, toàn tâm, toàn ý, cống hiến trong thực thi công vụ. Tuy nhiên, một tín hiệu vui là, thời gian qua, ngân sách đã tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong 3 năm tới. Đây chính là một cú hích cho thị trường lao động trong tương lai gần.

Sau khi trình Trung ương, Chính phủ sẽ trình Quốc hội việc thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27 kể từ 1/7/2024. “Việc sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024 sẽ là một cú hích cho thị trường lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, khi phát biểu tại diễn đàn kinh tế - xã hội.

MỚI - NÓNG