Nâng cấp chợ, xa dân

Nâng cấp chợ, xa dân
TP - Một nghịch lý đang diễn ra tại Hà Nội, chợ càng hiện đại càng vắng khách. Đặc biệt nhiều nơi, chợ “lên đời” là tiểu thương phản đối. Tiền Phong có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở Công thương xung quanh vấn đề này.

> Trung tâm thương mại không có chợ dân sinh?

Chợ Nghĩa Tân nơi tiểu thương đang phản đối việc chuyển đổi xây mới. Ảnh: N.T
Chợ Nghĩa Tân nơi tiểu thương đang phản đối việc chuyển đổi xây mới. Ảnh: N.T.

Thưa ông, vì sao trong thời gian chợ được “lên đời”, xây mới là bị bà con tiểu thương lại phản đối?

Tôi nghĩ rằng chuyển đổi chợ là chủ trương chung và phù hợp với mô hình đô thị văn minh. Đáng lẽ việc này phải làm xong trong giai đoạn 2010, nhưng theo quy hoạch thì đến năm 2016 là phải xong.

Trong quá trình triển khai, không phải ai cũng ủng hộ nhưng nhiều người phản đối chỉ vì lợi ích trước mắt của cá nhân họ chứ không nghĩ đến lợi ích lâu dài. Chẳng hạn, trong tuần qua, hàng trăm tiểu thương ở chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) đã kéo lên Sở để phản đối việc xây chợ mới.

Thực tế nhiều chợ sau khi xây dựng mới, chuyển thành trung tâm thương mại hiện đại lại hoạt động không hiệu quả, thưa ông?

Nói thế thì cũng chưa đúng lắm. Nhìn chung hiện nay cả thành phố có khoảng 10 TTTM, chợ xây mới đều hoạt động hiệu quả.

Tuy nhiên, việc phát triển gắn với chuyển đổi mô hình quản lý đang còn nhiều tồn tại mà sắp tới sẽ khuyến khích chuyển việc quản lý chợ sang cho doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến cho rằng, những chợ mới xây dựng vắng khách, hoạt động không hiệu quả là do thiết kế không phù hợp, thiếu quy hoạch?

Các chợ như Hàng Da, Mơ, Thượng Đình, chợ Ô chợ Dừa… đã nâng cấp thành các chợ hiện đại, trung tâm thương mại văn minh. Trong quá trình đầu tư xây dựng, tất cả các chợ như vậy đều có các gian hàng thiết yếu, lương thực thực phẩm.

Nhưng khi tổ chức kinh doanh chợ dân sinh thành trung tâm thương mại thì khách vào cũng ít hơn. Khách quan là thói quen tiêu dùng của người dân là thích tiện. Lý do nữa là do chợ cóc, chợ tạm của mình hiện tại cũng quản lý chưa tốt.

Bên cạnh đó cũng phải nói, giá thuê mặt bằng kinh doanh, rồi các dịch vụ, giá bán của khu chợ mới xây dựng, các trung tâm thương mại cao hơn trước, nên người tiêu dùng cũng chưa mặn mà lắm.

Ông Nguyễn Văn Đồng
Ông Nguyễn Văn Đồng.

Nhiều doanh nghiệp sau khi xây chợ mới, trung tâm thương mại lại nặng về cho thuê văn phòng hay đẩy giá thuê lên cao nên bà con tiểu thương trước đây không thuê được?

Thời gian qua, chúng tôi cũng nhận được nhiều phản ánh của người dân khiếu nại doanh nghiệp. Chúng tôi cũng yêu cầu các quận kiểm tra thực hiện đúng yêu cầu trong quy hoạch đầu tư ban đầu. Về mặt nào đó thì dứt khoát không được bỏ chợ dân sinh sau khi chuyển đổi thành chợ mới, thành trung tâm thương mại. Sắp xếp bố trí gì thì cũng phải dành diện tích cho chợ dân sinh. Còn về giá thuê vẫn theo khung giá chung của thành phố chứ không được tùy tiện nhảy vọt, muốn làm gì thì làm.

Đối với những khu chợ, những trung tâm thương mại sau khi chuyển đổi mô hình, xây dựng nếu hoạt động không có hiệu quả thì sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?

Không hiệu quả ở đây có nhiều khía cạnh khác nhau. Có thể là chủ đầu tư kinh doanh thua lỗ do quản lý kém. Còn nếu kinh doanh mua bán ở đó mà vắng vẻ, lèo tèo thì phải tính cách khác. Nếu có những việc cần sự tham gia của Sở Công thương thì chúng tôi sẽ có những chỉ đạo hướng dẫn điều chỉnh cho phù hợp.

Mục tiêu chuyển đổi mô hình quản lý chợ là không thay đổi và chỉ được phép làm tốt hơn chứ không được làm cho nó kém đi.

Cảm ơn ông.

Nguyễn Tú
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.