Theo số liệu thống kê của WHO, tính đến ngày 8/10, Ebola đã cướp đi sinh mạng của 4.033 người trong tổng số 8.399 ca nhiễm tại 7 quốc gia.
Ngoài khu vực Tây Phi, nơi xảy ra hầu hết các trường hợp tử vong, nỗi lo sợ về sự bùng phá đại dịch Ebola đang ngày càng gia tăng tại các nước khác trên thế giới.
Từ Úc đến Zimbabwe, từ Macedonia đến Tây Ban Nha, những người có dấu hiệu sốt hoặc tiếp xúc với bệnh nhân Ebola đều bị đưa vào các trung tâm cách ly hoặc được lệnh phải ở trong nhà.
Người dân càng trở nên hoảng loạn hơn khi Giới chức Tây Ban Nha ngày 9/10 cho biết, tình hình sức khỏe của nữ y tá Teresa Romero, 44 tuổi, là người đầu tiên bị nhiễm Ebola ngoài khu vực Tây Phi, đang xấu đi nghiêm trọng và có nguy cơ tử vong.
Bà Romero từng tham gia điều trị cho hai nhân viên y tế Tây Ban Nha, được đưa về nước điều trị hồi tháng Tám và tháng Chín vừa qua sau khi nhiễm Ebola ở Tây Phi. Cả hai người này sau đó đã tử vong.
Vụ việc khiến người dân Tây Ban Nha hoảng loạn khiến Thủ tướng Mariano Rajoy đã phải lên tiếng trấn an, nhấn mạnh nguy cơ bùng phát dịch là rất khó có thể xảy ra.
Tại Pháp, một tòa nhà công cộng ở ngoại ô Paris đã được lệnh sơ tán người dân khi một người đàn ông đến từ châu Phi có dấu hiệu nhiễm bệnh. Tuy nhiên, trường hợp này sau đó được loại bỏ.
Tại Macedonia, chính phủ đã cho cách ly những người tiếp xúc với một người đàn ông Anh đã tử vong tại thủ đô Skopje sau khi người này xuất hiện các triệu chứng nghi nhiễm virus Ebola.
Chính quyền Mỹ, Canada và Anh đã tăng cường kiểm tra tại các sân bay lớn, trong khi Moroccan kêu gọi hoãn giải đấu Cúp bóng đá châu Phi 2015 (CAN) vì dịch bệnh.
Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo số trường hợp nhiễm Ebola có thể lên đến 1,4 triệu người vào tháng 1.2015 nếu không có các biện pháp mạnh mẽ ngăn ngừa dịch bệnh.