Nạn nhân lên sân khấu nói về bạo lực

Diễn viên của “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng” đều là người trong cuộc Ảnh: T.Toan
Diễn viên của “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng” đều là người trong cuộc Ảnh: T.Toan
TP - Tôi ơi, đừng tuyệt vọng công diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ tối 15-6 là tiếng nói của người trong cuộc về bạo lực, nhân Ngày gia đình VN cận kề.

> Kịch bị đổi tên vì...người mẫu bán dâm

Diễn viên của “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng” đều là người trong cuộc Ảnh: T.Toan
Diễn viên của “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng” đều là người trong cuộc Ảnh: T.Toan.

Những ca từ Tôi ơi đừng tuyệt vọng mấy lần vang lên là lời nhủ của mỗi người trong cuộc. Nhưng để có được đêm diễn này Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới-Gia đình-Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) phải nỗ lực vận động, tuyển.

Toàn những lao động chính trong nhà, lam lũ làm thuê ở chợ hoa quả Long Biên, làm giúp việc và điểm chung là họ đều hứng chịu nạn bạo hành.

Chương trình chia hai phần, 20 phút đầu kịch đương đại phần nào tái hiện những bi kịch gia đình có chồng vũ phu. Phần sau là vở kịch ngắn tương tác, về ba trường hợp bạo hành: chồng lấy hết tiền nhà đi đánh bạc; người chồng khác ốm đau bệnh tật thì lại tự ti, sinh nghi ngờ vợ; người còn lại nhu nhược nhưng cứ đêm về bắt vợ phải chiều theo chiêu trò kì quái xem qua băng đĩa.

Cái kết bỏ lửng khi đứa trẻ nhiễm mọi lời lẽ thô tục, đau đớn để trút hết lên con búp bê. Phần kịch tương tác này nội dung thay đổi từng đêm diễn, do khán giả quyết định khi tham gia diễn xuất, góp ý kiến thay đổi nội dung.

Thay vì dùng diễn viên chuyên nghiệp, đạo diễn Bùi Như Lai làm việc với người trong cuộc.

“Cái khó nhất là câu chuyện họ có, cảm xúc họ có nhưng cảm xúc thường giấu kín, chôn vào một chỗ nào đó. Quá trình làm việc là quá trình trao đổi, khơi gợi họ”, đạo diễn chia sẻ. Vai các ông chồng bạo lực đều do những người có quá khứ vũ phu, nay phục thiện.

Hầu hết gia đình có người tham gia dự án truyền thông này đều ngăn trở, không muốn vợ con họ vạch áo cho người xem lưng. “Trước đêm công diễn, có cô bảo không dám về nhà, vì sợ hôm sau không thể lên sân khấu. Đến sáng buổi công diễn tôi mới nhẹ nhõm”, Bùi Như Lai nói.

Cố kìm nước mắt, chị Ngô Thị Tình ở Yên Thường, Gia Lâm bảo bước lên sân khấu là nỗ lực lớn để thổ lộ những điều lâu nay giấu kín.

“Bản thân tôi mới đầu chỉ dám nói đi họp, không dám nói thẳng đi tập kịch. Được nửa quãng đường, tôi nói thật và vợ chồng tôi xảy ra chiến tranh lạnh. Nhưng tôi vẫn quyết tâm đi, mong thế hệ sau không còn chịu khổ như chúng tôi”, chị Tình nói.

Chồng đem hết tiền nướng vào bài bạc là chuyện thật của chị. Chị bảo ngày xưa chịu đau đớn thể xác, sau còn cả bạo lực tinh thần, ám ảnh đó có bớt đi nhưng không thể tắt lịm.

“Cảm xúc thật ngoài đời còn đau hơn khi diễn nhiều, khi bước lên sân khấu tôi cố nén đi vì có người thân đến xem”, một nạn nhân khác chia sẻ.

Đại diện CSAGA cho biết, sau đêm diễn, khoảng sáu ông chồng đi xem đều phản hồi tích cực- tín hiệu những người làm chương trình mong mỏi, để có thể thay đổi hành vi ở cánh mày râu.

Các nhà làm chương trình dự định đưa vở kịch diễn ở huyện Gia Lâm, Đông Anh hay tỉnh Hòa Bình. Khán giả Bùi Thu Hiền nói: “Đoạn cuối tôi có cảm giác hơi bức bối. Mọi thứ dễ dàng quá, người đàn ông dễ dàng được tha thứ quá. Có vẻ như chúng ta không có quyền hận thù ư? Tha thứ có thể giải quyết được hết mọi thứ, thực tế có phải như vậy không”.

Khi được hỏi lại nếu có trong tay quyền lực của đạo diễn, chị làm gì. Nữ khán giả kiên định rằng, người đàn ông phải chấp nhận cuộc sống do anh ta lựa, hoặc phải chịu hình phạt nào đó.

Nam khán giả duy nhất đứng lên phát biểu, nói không hiểu sao lại có những người có thể đối xử tàn nhẫn với vợ. Giải pháp của anh khá đơn giản, trong vở kịch tất cả những người đàn ông ngược đãi vợ đều bị thất bại trong lĩnh vực nào đó, vậy hãy chọn cuộc sống, tự tin vào năng lực của mình và tỉnh táo chỉ làm việc vừa với sức mình.

Người trong cuộc thốt lên trên sân khấu rằng đánh kẻ chạy đi, thương người chạy lại. Có khán giả đồng cảm, chốt lại rằng nhiều khi không phạt gì lại là hình phạt khó khăn nhất cho người lầm đường.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG