Năm ngộ nhận về tham nhũng

Năm ngộ nhận về tham nhũng
TP - Phải có sự dứt khoát trong lòng mới có sự dứt khoát trong hành động. Những ngộ nhận về bản chất tham nhũng của không ít người đang là lực cản rất lớn trong cuộc chiến chống tham nhũng, thậm chí trở thành môi trường dung dưỡng... 

Đây là ngộ nhận phổ biến và nguy hại nhất. Xuất phát từ quan niệm “Cơm vua, ngày trời”, nhiều người vẫn nghĩ rằng ngân sách Nhà nước là cái kho vô tận, mấy “con chuột” tham nhũng có đục khoét thoải mái cũng đâu có hề hấn gì!

Đó là một cách nhìn hết sức thiển cận. Chỉ qua mấy vụ nổi cộm gần đây cũng thấy, số tài sản mà những kẻ tham nhũng bỏ túi cá nhân hay làm thất thoát lớn biết chừng nào. Thiệt hại do tham nhũng gây ra không chỉ là con số cụ thể do thanh tra nêu, mà cần phải tính cả những gián tiếp liên quan.

Ví dụ: Tham nhũng trong xây dựng khiến công trình chất lượng kém, không trụ lại được thiên tai, thì thiệt hại vô cùng lớn; công trình đổ sập, gây chết người, thì thiệt hại lại càng không thể tính bằng con số thống kê vô cảm...

Đa số trường hợp tham nhũng tuy không trực tiếp móc túi cá nhân, song lại làm kinh tế chậm phát triển, xã hội trì trệ, khủng hoảng, cuộc sống người dân thêm khó khăn...

Vậy thì đâu có khác gì móc túi cá nhân. Một thiệt hại nữa cũng không thể đo đếm được đó là sự suy giảm niềm tin của người dân vào bộ máy Nhà nước, uy tín của Nhà nước trên trường quốc tế cũng bị ảnh hưởng. Quốc gia nào thực hiện tốt chiến lược chống tham nhũng thì mới có điều kiện phát triển bền vững.

Đừng phê phán, ai có điều kiện rồi cũng thế!  

Đây là câu nói cửa miệng của không ít người. Nếu kết luận câu này là “phản động” cũng không sai. Con người ai cũng có đầu óc tư hữu, tư lợi, song cũng có ý thức, lương tâm và trách nhiệm để không bị cái xấu lôi kéo, cám dỗ, hướng về cái tốt đẹp, tích cực, đại nghĩa.

Quan niệm truyền thống cho rằng đó là “chính khí”: “chính khí” của dân tộc, của con người sẽ thắng. Cái nhìn ở trên là một cái nhìn bi quan, tiêu cực, bế tắc, đầu hàng trước tệ tham nhũng.

Tội tham nhũng không to bằng lãng phí                 

Có người nói rằng: Tài sản do tham nhũng mà có cũng chỉ “loanh quanh đâu đấy”, có mất đi đâu, vạn vật sẽ trở nên cân bằng cả thôi. Tham nhũng, xét ở góc độ cá nhân cũng có nghĩa là sự gia tăng về tài sản, là giàu lên, là phát triển.

Nhưng phát triển “cũng có năm bảy đường”, “phát triển” của kẻ tham nhũng là phát triển theo kiểu tăng sinh của tế bào ung thư, làm hủy hoại chính thân chủ và cộng đồng không gì cứu vãn. Tham nhũng đúng là có làm cho một bộ phận “dân giàu” lên, nhưng lại làm cho “nước yếu” đi.

Ai cũng thế thì mình tội gì...                   

Trong thực tế, hiện tượng tham nhũng không bao giờ diễn ra đơn độc mà thường cấu thành một “đường dây”. Tú Xương có câu thơ: “Thiên hạ hãy còn đang ngủ cả -Tội gì mà thức một mình ta”. 

“Dại đoàn hơn khôn độc”, cái xấu khi đã phổ biến sẽ trở nên bình thường, cái tốt mà chưa phổ biến trở nên đơn độc, thậm chí bị lên án, hắt hủi. Bây giờ nhiều người nêu học thuyết “sống chung với tham nhũng”, nghe có vẻ thức thời,  thực chất là một bước thụt lùi đáng lo ngại.

Làm gì mà ghê gớm thế, tham nhũng chứ có phải giết người, đồi trụy đâu!                                                                 

Rất nhiều kẻ đứng trước vành móng ngựa ấp úng: “Do cuộc sống khó khăn...Do bị lôi kéo, bị lừa...Tưởng làm thế cũng chẳng ảnh hưởng đến ai...”.

Họ còn đưa ra các lí do tham nhũng để đầu tư cho con cái học hành, thậm chí làm từ thiện, công đức...

Người Việt vốn mạnh về tư duy cụ thể, cảm tính, nên kẻ trộm một con trâu sẽ bị qui kết tội “phá hoại sản xuất”, một tội danh rất nặng, nhưng các bên xây dựng móc nối với nhau dẫn đến công trình kém chất lượng, đê vỡ, đập tan, làm cả ngàn hécta hoa màu mất trắng thì lại được khép vào tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, một tội danh nhẹ hơn nhiều, và nhất là không “ác ý” như kẻ trộm con trâu kia! 

Lại nữa, tên trộm trâu sao mà nhìn gian xảo, nanh ác, lắm tiền án tiền sự, còn những nhân vật “thiếu trách nhiệm” kia thì lại nhìn có vẻ hiền lành, tử tế, lại thân nhân tốt, “có nhiều cống hiến”!                                                 

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác...”. Bao giờ đông đảo người dân thoát ra khỏi những ngộ nhận, có được nhận thức đúng đắn về bản chất của tham nhũng, khi ấy toàn xã hội sẽ đoàn kết, quyết tâm diệt trừ tham nhũng, đất nước sẽ tiến gần đến thời kỳ phát triển bền vững, văn minh.

Trần Quang Đại
Hà Tĩnh

MỚI - NÓNG