Nói về chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc điểm nổi bật nhất trong năm 2019 là duy trì hiện trạng. Sự thất thường và khó đoán của ông Trump tiếp tục gây báo động và khiến nhiều nước bận rộn, nhưng 2019 là một bước ngoặt tiềm năng khi hầu hết khía cạnh của chính trị thế giới không thể xoay chuyển.
NATO: Bất chấp cách xử lý bất cẩn của ông Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chẩn đoán tổ chức này đang “chết não”, NATO vẫn nỗ lực sống sót qua sinh nhật thứ 70 của mình. Bất chấp những phát biểu thiếu tích cực của ông Trump, hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Âu giờ còn lớn hơn hồi ông mới nhậm chức. Bước sang năm 2020, châu Âu vẫn còn phải phụ thuộc nhiều vào Mỹ.
Iran: Dù ông Trump thực hiện chính sách gây sức ép tối đa, chính quyền Iran vẫn trụ vững đến cuối năm 2019 và ảnh hưởng khu vực của nước này tiếp tục được duy trì. Các chính quyền Clinton, George W. Bush và Obama cũng đều cứng rắn với Iran, nhưng ông Obama ít nhất cũng mở ra khả năng cải thiện quan hệ với nước này trong tương lai. Đến thời ông Trump, nước Mỹ quay lại chính sách đối đầu đã định hình quan hệ của Mỹ với Iran từ năm 1980.
Toàn cầu hoá: Chính quyền Trump quay lưng với toàn cầu hoá, nhưng việc phát động chiến tranh thương mại với các nước chủ yếu gây ra rắc rối. Thoả thuận Mỹ - Mexico – Canada được Hạ viện Mỹ thông qua, nhưng cũng không hơn gì nhiều so với Thoả thuận tự do thương mại Bắc Mỹ 2.0 và sẽ không gây tác động nhiều đến các nước tham gia. Trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc, mục tiêu quan trọng nhất của ông là giảm thâm hụt thương mại song phương và buộc Trung Quốc phải thay đổi cấu trúc nền kinh tế, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được.
Thương mại thế giới tiếp tục gia tăng (dù với tốc độ chậm hơn), và năm 2019 không dẫn đến chủ nghĩa bảo hộ kiểu như hồi những năm 1930. Chính quyền của ông Trump sẽ tiếp tục xa lánh Tổ chức Thương mại thế giới để đi theo cách tiếp cận song phương trong các vấn đề thương mại, nhưng quyết định này sẽ chỉ làm chậm, chứ không thể đảo ngược toàn cầu hoá trong tương lai.
Trung Đông: Ông Trump tiếp tục gây xáo trộn về lực lượng ở khu vực này, nhưng Mỹ vẫn can dự vào đây về quân sự, vẫn đưa ra những “kế hoạch hoà bình” bị đánh giá là vô nghĩa và chết yểu cho xung đột Israel – Palestine, và vẫn ủng hộ vô điều kiện một danh sách khách hàng ở Trung Đông. Mỹ tiếp tục hậu thuẫn Israel chiếm đóng đất của người Palestine, vẫn ủng hộ cuộc chiến vô nhân đạo và không thành công của Ả-rập Xê-út ở Yemen và nhắm mắt làm ngơ trước tình hình ở Ai Cập.
Ông Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo khăng khăng rằng Iran là một mối đe doạ với khu vực nên cần phải bị ngăn chặn. Nhưng những chính sách của Mỹ hiện nay nghe vẫn rất quen thuộc, vì không mấy thay đổi.
Nga: Dù đôi khi ông Trump nói và hành động như thể một người bạn thân thiết của Tổng thống Nga Vladimir Putin, chính sách của Mỹ với Nga vẫn mang tính đối đầu và ít tác dụng. Ukraine nhận được hỗ trợ mà Mỹ hứa (nhưng năm qua ông Trump lại bị cáo buộc là dùng khoản hỗ trợ nay để gây sức ép buộc Ukraine điều tra đối thủ chính trị của ông), còn Nga tiếp tục phải chịu những biện pháp trừng phạt của phương Tây. Không có gì ngạc nhiên khi Nga và Trung Quốc tiếp tục xích lại gần nhau, một phần vì Washington tạo ra động lực để họ làm vậy. Giới phân tích cho rằng có vẻ không ai trong lực lượng làm chính sách ngoại giao của Mỹ hiểu kế sách “chia để trị”.
Afghanistan: Những người nhiều tuổi có thể nhớ chuyện Liên Xô tiến hành một cuộc chiến ở Afghanistan trong 9 năm, nhưng đó cuối cùng là một lý do dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô. Khi quyết định can thiệp vào đây, Mỹ tự tin rằng có thể loại bỏ những người xấu, duy trì lực lượng Mỹ trong thời gian lâu gấp đôi Liên Xô có thể làm và sẽ thành công.
Ông Trump từng nói rằng vai trò của Mỹ ở Afghanistan thật “nực cười” và hứa sẽ đưa Mỹ ra khỏi đây. Nhưng cũng chính những người đó quyết định đưa thêm quân vào Afghanistan, giống như người tiền nhiệm của mình. Và giờ ông nói có thể rút bớt quân ra, duy trì mức độ hiện diện của lực lượng Mỹ tương đương mức khi bắt đầu vào. Ở Mỹ, nhiều người gọi đây là phương pháp tiến một bước, lùi hai bước, khiến cuộc chiến ở Afghanistan trở nên vô thời hạn.
Ở trong nước, Mỹ tiếp tục phải đối phó với hàng loạt vấn đề như hạ tầng xuống cấp, khủng hoảng chất gây nghiện, chủ nghĩa khủng bố cánh tả trong nước, những vụ xả súng không hồi kết trong trường học và những dạng bạo lực súng đạn khác, một hệ thống chính trị phân cực và bế tắc. Năm 2019, chương trình đưa “Nước Mỹ vĩ đại trở lại” vẫn chưa tạo nên khác biệt gì, ngoại trừ việc giảm thuế cho người giàu.
Một điều không thay đổi gì trong năm 2019 là Trái đất tiếp tục ấm lên và Mỹ tiếp tục chính sách vô trách nhiệm với hiện tượng này.