Nam Định được biết đến là "thủ phủ ngành dệt may" của cả nước
Tới dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, đại diện một số đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, lãnh tỉnh Nam Định, lãnh đạo một số tỉnh lân cận và các doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh Nam Định...
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà (trái ngoài cùng trao quyết định quy hoạch cho ông Phạm Gia Túc, Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định. Ảnh: M.Đ |
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị, cho biết, tháng 12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1729 về Quy hoạch tỉnh (QHT) giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này đáp ứng kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh về những cơ hội phát triển mới.
Ông Nghị nhấn mạnh, vị trí đắc địa của tỉnh Nam Định trong vùng Đồng bằng Sông Hồng và Duyên hải Bắc Bộ, với thành phố Nam Định từng là một trong ba đô thị đầu tiên của Bắc Bộ và được biết đến là "thủ phủ ngành dệt may" của cả nước.
Tỉnh Nam Định cũng nằm ở vị trí quan trọng về giao thông, trên các tuyến đường bộ, đường sắt và đường thủy quan trọng của vùng. Đồng thời, Nam Định được ảnh hưởng bởi các tuyến đường huyết mạch như, cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ (QL) 21, 21B, 10, 38B và có ảnh hưởng từ tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, và vùng đô thị kinh tế vịnh Bắc Bộ.
Ngoài ra, ông Nghị cũng nhấn mạnh tác động tích cực của các dự án giao thông như tuyến đường bộ ven biển và cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh đối với phát triển kinh tế tỉnh. Đặc biệt, Khu kinh tế Ninh Cơ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh từ ngày 24/9/2020.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, sau mười năm thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định đến năm 2020, của Thủ tướng Chính phủ, có nhiều yếu tố mới cả nước và vùng Đồng bằng Sông Hồng, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đã tác động tích cực đến tỉnh Nam Định.
Do đó, một số chỉ tiêu và định hướng phát triển theo Quy hoạch này đến năm 2030 đã không còn phù hợp. Với bối cảnh và thực tế phát triển địa phương, nhiệm vụ cấp bách là triển khai nghiên cứu và xây dựng Quy hoạch tỉnh Nam Định đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để đáp ứng yêu cầu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các mục tiêu phát triển của tỉnh Nam Định.
Quy hoạch tỉnh Nam Định trong giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050, đã được Chính phủ phê duyệt, thể hiện sự quan tâm và đánh giá cao về những nỗ lực xây dựng và phát triển của tỉnh trong thời gian qua. Đồng thời, Chính phủ cũng nhận thấy vai trò quan trọng của tỉnh trong sự phát triển của vùng Đồng bằng Sông Hồng, các tam giác, và hành lang tăng trưởng của khu vực Bắc Bộ cũng như toàn quốc.
Việc thiết lập một QHT với hướng tiếp cận mới, tầm nhìn dài hạn là rất quan trọng để tận dụng lợi thế của Nam Định. QHT này sẽ là cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc tổ chức không gian lãnh thổ kinh tế-xã hội và xây dựng kế hoạch phát triển 5 năm và hàng năm. Mục tiêu là đáp ứng yêu cầu phát triển quốc gia, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế-xã hội để Nam Định trở thành tỉnh phát triển năng động và ngày càng quan trọng đối với sự phát triển chung của khu vực và cả nước.
Tầm nhìn phát triển tỉnh đến năm 2050 của Nam Định hướng đến việc phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Các lĩnh vực như văn hóa, lịch sử, giáo dục, nông thôn mới, công nghiệp dệt may, và các ngành khác sẽ được phát triển hiện đại và bền vững.
Xây dựng 4 trung tâm đô thị, 3 vùng kinh tế động lực
7 doanh nghiệp được trao quyết định đầu tư tại hội nghị. Ảnh: M.Đ |
3 vùng kinh tế động lực gồm: Vùng kinh tế thành phố Nam Định mở rộng; Vùng nông nghiệp, nông thôn ( Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Trực Ninh); Vùng kinh tế biển (huyện Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ, Xuân Trường). 4 trung tâm đô thị động lực gồm: Đô thị với trung tâm thành phố Nam Định mở rộng và các hạt nhân đô thị đối trọng vệ tinh (thị trấn Nam Giang – Cao Bồ); Trung tâm đô thị Thịnh Long - Rạng Đông (thị trấn Rạng Đông, thị trấn Quỹ Nhất thị trấn Thịnh Long và khu kinh tế Ninh Cơ); Trung tâm đô thị Cao Bồ (thị trấn Lâm, 4 xã và thị trấn Bo thuộc Ý Yên); Trung tâm đô thị Giao Thuỷ (thị trấn Quất Lâm, thị trấn Giao Thuỷ, đô thị Đại Đồng).
Tại hội nghị, Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, có 5 hành lang kinh tế động lực chủ đạo đang hình thành và phát triển tại tỉnh Nam Định, bao gồm: Hành lang Quốc lộ 10 (từ thành phố Nam Định đến Cao Bồ); Hành lang cao tốc Bắc - Nam nối dài (từ Hà Nội đến Cao Bồ và Rạng Đông). Hành lang tuyến đường bộ ven biển (từ Ninh Bình đến Rạng Đông, Giao Thủy, Thái Bình); Hành lang thành phố Nam Định - Lạc Quần - Giao Thủy và hành lang cao tốc Ninh Bình - Thái Bình - Quảng Ninh.
Các hành lang này được coi là những đột phá chính, dựa trên cơ sở của 4 cực tăng trưởng, và dự kiến sẽ mở ra không gian mới cho phát triển tỉnh Nam Định trong giai đoạn 2025-2030. Để đạt được những đề xuất này, tỉnh Nam Định sẽ tập trung vào các lĩnh vực chính như phát triển công nghiệp tiêu dùng và xuất khẩu, đẩy mạnh du lịch, phát triển kinh tế đô thị, và tăng cường phát triển kinh tế biển và ven biển. Đồng thời, còn có sự tập trung vào các nền tảng phát triển như nguồn nhân lực và văn hóa, khoa học và công nghệ, cơ sở hạ tầng, và đổi mới và hoàn thiện thể chế để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và minh bạch.
7 nhóm giải pháp
Phối cảnh Dự án xây dựng đô thị tại xã Bạch Long (Giao Thủy). |
Từ năm 2030, tỉnh Nam Định cũng đề ra 7 nhóm giải pháp trọng tâm để hiện thực hoá tầm nhìn đến năm 2050. Các giải pháp này bao gồm việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực, thu hút vốn đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, quản lý môi trường, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hiện đại, và kiểm soát các khu vực cần bảo tồn. Đồng thời, còn có sự tăng cường cải cách hành chính, nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước, và thúc đẩy công khai, truyền thông và quảng bá quy hoạch đến cộng đồng và các đối tác quan trọng.
Ngoài ra, để thực hiện những mục tiêu tổng quát và cụ thể của Quy hoạch tỉnh (QHT) đến năm 2030, tỉnh Nam Định đã đề ra 7 nhóm giải pháp trọng tâm: Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực, thu hút vốn đầu tư: Tập trung vào việc huy động nguồn lực đầu tư và thu hút doanh nghiệp lớn từ trong và ngoài nước để đầu tư vào các dự án phát triển trọng điểm, đặc biệt là trong các khu công nghiệp và khu kinh tế Ninh Cơ.
Phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động như, tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng, đồng thời đảm bảo cung ứng đủ lao động cho các lĩnh vực kinh tế và doanh nghiệp. Tập trung vào hoạt động bảo vệ môi trường, nghiên cứu và áp dụng công nghệ hiện đại, và thúc đẩy các hoạt động thân thiện với môi trường. Cải cách hành chính và nâng cao chất lượng biện pháp quản lý Nhà nước để hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự, và an toàn xã hội, đặc biệt là tại các trọng điểm kinh tế và các đô thị lớn. Tăng cường đầu tư xây dựng, cải tạo, và nâng cấp các tuyến giao thông huyết mạch quan trọng, hình thành mạng lưới giao thông thuận lợi và kết nối vùng kinh tế biển với các địa phương trong và ngoài tỉnh. Tập trung vào các ngành công nghiệp mới như luyện thép, điện gió, điện khí, và chế biến khí để thúc đẩy phát triển kinh tế biển và ven biển.
Tăng cường bảo tồn, tôn tạo, và nâng cấp các khu vực dân cư hiện hữu theo hướng nông thôn mới, gắn kết với sự phát triển chung của tỉnh và đảm bảo ổn định xã hội. Để đạt được những mục tiêu này, tỉnh Nam Định cũng cam kết công khai và truyền thông rộng rãi quy hoạch đến cộng đồng và các đối tác, đồng thời thúc đẩy tính chủ động, sáng tạo và tiên phong trong quản lý và phát triển.