Năm cây cầu nối Thủ Thiêm với trung tâm TPHCM đang thi công tới đâu?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngoài cầu Thủ Thiêm 1 đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng nhiều năm trước, 4 cây cầu còn lại nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm TPHCM vẫn đang dang dở.

Cầu Thủ Thiêm 1 đã thông xe

Trong 5 cây cầu nối đôi bờ sông Sài Gòn thì chỉ duy nhất cầu Thủ Thiêm 1 đã thông xe. Cầu này nối quận 2 cũ (nay là TP.Thủ Đức) và quận Bình Thạnh. Cầu Thủ Thiêm 1 có 6 làn xe kết nối Khu đô thị Thủ Thiêm với trung tâm TPHCM, đã được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2007. Tổng kinh phí xây dựng hơn 1.099 tỷ đồng. Tổng thầu là Tổng Công ty Xây dựng số 1 thuộc Bộ Xây dựng.

Năm cây cầu nối Thủ Thiêm với trung tâm TPHCM đang thi công tới đâu? ảnh 1

Cầu Thủ Thiêm 1 đã được thông xe.

Điểm đầu dự án giao giữa đường Ngô Tất Tố với đường Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22, quận Bình Thạnh). Điểm cuối dự án kết nối với đường Lương Định Của (TP Thủ Đức). Cầu Thủ Thiêm 1 có chiều dài 1.250m, phần cầu chính bao gồm 5 nhịp và 6 làn xe.

Phần cầu dẫn phía Bình Thạnh gồm 4 nhánh, mỗi nhánh 2 làn xe; cầu dẫn phía TP.Thủ Đức dài 160 m, rộng 6 làn xe.

Cầu Thủ Thiêm 2 sẽ được thông xe vào 30/4

Cầu Thủ Thiêm 2 nối quận 1 với TP Thủ Đức bắt qua sông Sài Gòn, bắt đầu thi công 2015 và dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2018. Tuy nhiên do vướng giải phóng mặt bằng đã khiến tiến độ thi công bị chậm trễ. Dự kiến, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ được thông xe vào dịp 30/4 sắp tới.

Năm cây cầu nối Thủ Thiêm với trung tâm TPHCM đang thi công tới đâu? ảnh 2

Cầu Thủ Thiêm 2 dự kiến sẽ được thông xe vào 30/4.

Cầu Thủ Thiêm 2 có quy mô 6 làn xe, với tổng chiều dài là 1.465m trong đó phần cầu dài 885,7m, được thiết kế là cầu dây văng với trụ tháp chính có hình dáng kiến trúc cầu Rồng cao 113m, là biểu tượng cổng chào từ trung tâm TPHCM qua Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cầu Thủ Thiêm 2 do Công ty CP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh là chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư lên tới 4.260 tỷ đồng. Điểm đầu cầu Thủ Thiêm 2 nằm tại giao lộ Tôn Đức Thắng - Lê Duẩn, băng qua sông Sài Gòn và kết nối với Đại lộ Vòng cung (tuyến R1) của Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cầu Thủ Thiêm 3 có kiến trúc độc đáo

Dự án cầu Thủ Thiêm 3 có điểm đầu từ đường Tôn Đản qua đường Nguyễn Tất Thành, khu đất bến cảng Nhà Rồng - Khánh Hội quận 4 và điểm cuối tại Đại lộ vòng cung của Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cầu Thủ Thiêm 3 cao 10m như cầu Thủ Thiêm 1 với kiến trúc mỹ thuật độc đáo, tạo sự thân thiện giữa khu trung tâm TPHCM song hành với Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Năm cây cầu nối Thủ Thiêm với trung tâm TPHCM đang thi công tới đâu? ảnh 3

Cầu Thủ Thiêm 3 đang trong quá trình lập đề xuất dự án đầu tư, xây dựng.

Liên danh Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc, Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 và Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thái Sơn đã có đề án xin được nghiên cứu, lập đề xuất dự án đầu tư, xây dựng cầu Thủ Thiêm 3. Song song với đó là công tác nâng cấp, mở rộng đường Tôn Đản thuộc quận 4.

Cầu Thủ Thiêm 4 có vốn lên đến 5200 tỷ đồng

Cầu Thủ Thiêm 4 kết nối Khu đô thị Thủ Thiêm với quận 7 sẽ có mức đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng. Trước đó, Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt xin được làm nhà đầu tư theo hình thức BT.

Năm cây cầu nối Thủ Thiêm với trung tâm TPHCM đang thi công tới đâu? ảnh 4

Cầu Thủ Thiêm 4 kết nối Khu đô thị Thủ Thiêm với quận 7 sẽ có mức đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng.

Cầu Thủ Thiêm 4 được xây dựng với độ dài khoảng 2,1km, được thiết kế theo kiểu cầu dây văng trong đó cây cầu chính nối từ quận 7 qua TP Thủ Đức có 6 làn xe rộng 28m, chịu được động đất cấp độ 7.

Cầu Thủ Thiêm 4 có phần cầu dẫn trước nút giao Nguyễn Văn Linh và cầu Tân Thuận 2. Ngoài ra, còn có 2 nhánh cầu dẫn N1 và N2 từ cầu chính phía bên quận 7 xuống đường Huỳnh Tấn Phát.

Cầu đi bộ nối Thủ Thiêm với quận 1

Cầu đi bộ là một phần trong quy hoạch của Khu đô thị mới Thủ Thiêm, là điểm nhấn của Công viên Bến Bạch Đằng.

Ở phía quận 1, chân cầu nằm trong khu vực công viên Bến Bạch Đằng, gần phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ở phía Khu đô thị mới Thủ Thiêm, chân cầu đặt tại công viên bờ sông khu A, phía nam quảng trường trung tâm.

Năm cây cầu nối Thủ Thiêm với trung tâm TPHCM đang thi công tới đâu? ảnh 5

Cầu đi bộ dài hơn 500m, sẽ là điểm nhấn của TPHCM trong tương lai.

Chức năng chính của cầu đi bộ là phục vụ nhu cầu ngắm cảnh, đi lại, thưởng ngoạn và tổ chức lễ hội. Cầu đi bộ dài hơn 500m, sẽ là điểm nhấn của TPHCM trong tương lai.

Cầu sẽ được xây dựng theo hình dáng dễ nhớ, yếu tố mỹ thuật cao, đảm bảo phục vụ cho các xe cứu nạn chạy qua trong những lúc cần thiết. Cầu còn được phân làn cho người đi xe đạp.

Trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao (Cơ quan Thường trực Hội đồng đặt, đổi tên đường TPHCM) đã có văn bản đề xuất Thường trực UBND TPHCM đặt tên cho 4 cây cầu Thủ Thiêm 1, 2, 3, 4. Theo đó, cầu Thủ Thiêm 1 (hoàn thành từ 2007, nối TP Thủ Đức với quận Bình Thạnh và quận 1) được đề xuất đặt tên là Thủ Thiêm.

Sở Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất đặt tên cầu Thủ Thiêm 2 là Bason. Cầu Thủ Thiêm 3 có tên dự kiến là Thủ Ngữ. Theo Sở Văn hóa và Thể thao, Thủ Ngữ là tên một cột cờ đối diện bến Nhà Rồng, được xây dựng vào tháng 10/1865 tại ngã ba rạch Bến Nghé-sông Sài Gòn.

Sở Văn hóa và Thể thao cũng đề xuất đặt tên cầu Thủ Thiêm 4 là Bến Nghé. Bến Nghé là một địa danh của Sài Gòn-Gia Định đặt cho một bến thuyền ở Sài Gòn và một con rạch nhỏ.

MỚI - NÓNG
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
TPO - Công viên chạy dọc từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm với chiều dài hơn 1 km, tổng diện tích 10ha được đề xuất thực hiện để nối dài tổ hợp công viên ven sông Sài Gòn tạo nên sân chơi công cộng có sức chứa lớn, nhiều hoạt động mới lạ, thu hút người dân và du khách đến tham quan, giải trí, tận hưởng dòng sông.