Nam Bộ đón mưa giải nhiệt sau chuỗi ngày nắng gắt

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Những ngày tới, thời tiết Nam Bộ được dự báo mây thay đổi, đêm không mưa, ngày nắng. Riêng 2 ngày 29-30/3 có mưa rào và dông vài nơi vào chiều tối.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày hôm qua (27/3), khu vực Nam bộnắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C.

Một số địa phương ghi nhận mức nhiệt trên 37 độ C như: Phước Long (Bình Phước) 38,1 độ C; Biên Hòa (Đồng Nai) 38,5 độ C; Thủ Dầu Một (Bình Dương) 37,9 độ C; Tây Ninh 37,5 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 40-45%.

Nam Bộ đón mưa giải nhiệt sau chuỗi ngày nắng gắt ảnh 1

Nắng nóng kéo dài gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Dự báo trong hôm nay (28/3), khu vực Nam bộ tiếp tục có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 40-45%.

Ngày mai (29/3), khu vực miền Đông Nam bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 40-45%. Khu vực miền Tây Nam Bộ có nắng nóng cục bộ.

Ông Lê Đình Quyết - Trưởng phòng dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết, trong ngày hôm qua, nắng nóng tại TPHCM gia tăng về diện và cường độ, không mưa. Nhiệt độ cao nhất hôm qua tại sân bay Tân Sơn Nhất là 37 độ C, tại Nhà Bè là 36 độ C.

Dự báo trong 7 ngày tới, thời tiết Nam Bộ mây thay đổi, đêm không mưa, ngày nắng. Riêng ngày 29-30/3 có mưa rào và dông vài nơi, tập trung về chiều tối. Trong cơn dông, người dân cần đề phòng gió giật mạnh, lốc. Nắng nóng tạm thời giảm thêm trong ngày 29/3, chỉ xảy ra cục bộ. Từ ngày 30/3, nhiệt độ có xu hướng gia tăng, nắng nóng gia tăng trở lại trên khu vực.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, nhiệt độ dự báo trong các bản tin thời tiết và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch 2 - 4 độ C hoặc cao hơn, phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa...

Nắng nóng kết hợp với độ ẩm không khí thấp có thể gây nên cháy nổ, hỏa hoạn ở khu vực dân cư và cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn khiến người dân tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao dẫn đến bị mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt.

MỚI - NÓNG