Du khách chờ tàu tại ga xe lửa Hồng Kiều ngày 30/12/2022 tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: VCG |
Nhiệm vụ cấp bách và khó khăn nhất mà Trung Quốc phải đối mặt trong năm mới là làm thế nào để xử lý hệ quả của việc dỡ bỏ chính sách Zero COVID. Việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại từ tháng trước đã dẫn đến sự bùng nổ các ca bệnh. Trong khi đó, bệnh viện quá tải, bác sĩ và y tá phải làm việc quá sức, người dân khó tìm mua thuốc hạ sốt, trị cảm…
Các chuyên gia cảnh báo điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến. Trong khi một số đô thị lớn như Bắc Kinh có thể đã chứng kiến đỉnh điểm của đợt bùng phát, các thành phố kém phát triển hơn và vùng nông thôn rộng lớn vẫn đang chuẩn bị tiếp nhận nhiều ca mắc hơn.
Khi đợt cao điểm đi lại dịp Tết Nguyên đán bắt đầu, hàng trăm triệu người dự kiến trở về quê từ các thành phố lớn, mang virus đến các vùng nông thôn dễ bị tổn thương, nơi tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn và nguồn lực y tế khan hiếm hơn. Một số nghiên cứu ước tính, số người mắc mới cũng như trường hợp tử vong có thể tăng mạnh, nếu Trung Quốc không đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại và cung cấp đủ thuốc kháng virus. Chính phủ đã phát động chiến dịch tăng cường tiêm phòng cho người cao tuổi, nhưng nhiều người vẫn miễn cưỡng đi tiêm do lo ngại tác dụng phụ.
Du lịch tăng trưởng, kinh tế phục hồi
Khi Trung Quốc cùng phần còn lại của thế giới chung sống với COVID-19, những tác động đối với nền kinh tế toàn cầu có thể rất lớn. Sự tăng trưởng của Trung Quốc sẽ mang lại động lực quan trọng cho các nền kinh tế phụ thuộc vào nhu cầu của nước này, nhất là về sản xuất và du lịch. Nhưng nhu cầu gia tăng cũng sẽ đẩy giá năng lượng và nguyên liệu thô lên cao, gây áp lực đối với lạm phát toàn cầu.
Ông Bo Zhuang, nhà phân tích cấp cao tại Loomis, Sayles & Company, một công ty đầu tư Mỹ, nói: “Trong ngắn hạn, tôi tin rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể gặp khó khăn hơn là thuận lợi vì một lý do đơn giản: Trung Quốc chuẩn bị đối phó COVID kém hơn các nước khác”. Các nhà phân tích của công ty Capital Economics (Anh) dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ giảm 0,8% trong quý I năm 2023, trước khi phục hồi trong quý II.
Bất chấp tất cả sự không chắc chắn kể trên, công dân Trung Quốc đang ăn mừng việc mở lại một phần biên giới sau khi bỏ quy định kiểm dịch đối với người nhập cảnh và nối lại du lịch nước ngoài. Mặc dù một số cư dân bày tỏ lo ngại về việc nhanh chóng nới lỏng các hạn chế trong thời gian bùng phát dịch bệnh, nhiều người khác đang háo hức lên kế hoạch cho các chuyến đi nước ngoài. Các trang web du lịch đã ghi nhận lượng truy cập tăng đột biến trong vòng vài phút sau thông báo ngày 26/12/2022.
Một số quốc gia đã chào đón nồng nhiệt trở lại, với các đại sứ quán nước ngoài và các bộ du lịch đăng trên các trang truyền thông xã hội Trung Quốc lời mời dành cho du khách Trung Quốc. Nhưng những nước khác thận trọng hơn, áp đặt các yêu cầu kiểm tra mới đối với khách du lịch đến từ Trung Quốc. Giới chức các nước này đã chỉ ra nguy cơ xuất hiện các biến thể mới từ đợt bùng phát ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế đã chỉ trích các hạn chế đi lại nhằm vào đối tượng nhất định (du khách Trung Quốc) là không hiệu quả về mặt khoa học và gây hoang mang, với nguy cơ kích động thêm chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và tư tưởng bài ngoại.
Quan hệ với phương Tây và Nga
Mối quan hệ của Trung Quốc với phương Tây và nhiều nước láng giềng giảm mạnh do tranh cãi về nguồn gốc đại dịch COVID-19, thương mại, yêu sách chủ quyền lãnh thổ, hồ sơ nhân quyền của Bắc Kinh hoặc quan hệ đối tác chặt chẽ với Nga bất chấp chiến sự ở Ukraine. Tại một loạt cuộc gặp song phương nhân dịp dự các hội nghị thượng đỉnh G20 và APEC mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho thấy ông sẵn sàng hàn gắn quan hệ với Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Các đường dây liên lạc đã mở trở lại và nhiều cuộc trao đổi cấp cao đang được chuẩn bị. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng mới đắc cử của Ý Giorgia Meloni… dự kiến thăm Trung Quốc trong năm nay.
Nhưng ông Tập cũng nói rõ tham vọng đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực, và không có ảo tưởng rằng hai siêu cường của thế giới có thể giải quyết những khác biệt cơ bản của mình và gạt bỏ sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Trong năm mới, căng thẳng có thể lại bùng phát xung quanh vấn đề Đài Loan, Mỹ cùng đồng minh ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ cũng như sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Nga - điều mà ông Tập đã nhấn mạnh trong cuộc gặp trực tuyến với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 30/12/2022.
Cả hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ thông điệp về sự đoàn kết, trong đó ông Tập nói rằng hai nước nên “tăng cường phối hợp chiến lược” và “tạo ra sự ổn định hơn cho thế giới”, Xinhua đưa tin. Ông Tập cho biết Trung Quốc “sẵn sàng hợp tác” với Nga để “chống lại chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền”, đồng thời chống lại chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ và bắt nạt. Ông Putin đã mời ông Tập thăm Nga vào mùa xuân năm 2023.
Nhiều người nói với CNN rằng, sự phụ thuộc lẫn nhau và liên kết địa chính trị của hai nước vẫn mạnh mẽ, bao gồm tầm nhìn chung của họ về một “trật tự thế giới mới”. Bà Yun Sun, Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson (Mỹ), nhận định: “Chiến sự đã gây phiền toái cho Trung Quốc trong năm qua và ảnh hưởng đến lợi ích của Trung Quốc ở châu Âu. Nhưng thiệt hại không đủ lớn để Trung Quốc từ bỏ Nga”.
Trung Quốc sắp chạy thử tàu sân bay hiện đại nhất
Phúc Kiến, tàu sân bay thứ ba và cũng là tàu sân bay hiện đại nhất của Trung Quốc, dự kiến sẽ được đưa ra chạy thử trên biển trong năm nay, ông Qian Shumin, phó hạm trưởng con tàu, cho biết ngày 3/1. Tàu này hiện đại tương đương tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Hải quân Mỹ. Sau khi hạ thủy vào tháng 6/2022, tàu Phúc Kiến được lắp các hệ thống bổ sung tại xưởng đóng tàu Giang Nam gần Thượng Hải. Tàu dự kiến sẽ thường xuyên hiện diện ở eo biển Đài Loan và chắc chắn sẽ đóng vai trò đáng kể nếu xung đột xảy ra ở khu vực này.
Bình Giang (theo SCMP)