Tuần đầu sau nghỉ Tết, NHNN hút ròng 15.000 tỷ
Sau 5 phiên liên tiếp bơm ròng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút ròng trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần (3/2).
Lãi suất huy động VND đã về mặt bằng dưới 10%/năm các kỳ hạn 6 tháng trên toàn hệ thống |
Tính chung, cơ quan quản lý tiền tệ đã hút ròng 12.592 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng trong phiên giao dịch 3/2. Trước đó, Nhà điều hành đã liên tục bơm thanh khoản trong 5 phiên giao dịch sau kỳ nghỉ Tết với tổng khối lượng cung ứng ròng đạt gần 70.800 tỷ đồng.
Sự đảo chiều điều hành của NHNN diễn ra sau khi Fed (Cục dữ trữ liên bang Mỹ) thông báo nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm %, đúng như dự báo của thị trường. Fed đã tăng lãi 8 lần liên tiếp kể từ tháng 3/2022. Hiện lãi suất chuẩn tại Mỹ nằm trong khoảng 4,5-4,75%. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 10/2007. Mặt khác, lãi suất liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao dù NHNN liên tục hỗ trợ thanh khoản hệ thống.
Theo số liệu cập nhật đến ngày 2/2, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm trên 95% khối giao dịch) ở mức 6,26%/năm, tăng thêm 0,17 điểm% so với mức ghi nhận vào trước kỳ nghỉ Tết và cao hơn khoảng 1,7 điểm % so với cuối năm 2022.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất tại các kỳ hạn dài hơn như 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng, 3 tháng biến động trái chiều. Trong khi lãi suất kỳ hạn 9 tháng bất ngờ tăng lên 13%/năm từ mức 9,61% ghi nhận trước đó. Dù vậy, doanh số giao dịch tại kỳ hạn này chỉ ở mức 200 tỷ, chiếm chưa đến 0,1% quy mô giao dịch liên ngân hàng trong phiên 2/2.
Dự báo 2023: lãi suất, tỷ giá sẽ giảm mạnh
Ngay ngày đầu tiên ra Tết, thị trường tiền tệ diễn biến bất ngờ khi tỷ giá VN/USD lần đầu hạ nhiệt mạnh giảm thị trường tự do còn thấp hơn niêm yết NHTM.
Theo báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, so với cuối tháng 12/2022, tính tới hết tháng 1/2023, đồng VND đã tăng trở lại 0,75% so với đồng USD. Lãi suất ở mặt bằng cao cùng chỉ số (Dola Index) DXY hạ nhiệt là những yếu tố đang hỗ trợ cho sự lên giá của đồng VND.
Không chỉ VND mà tất cả đồng tiền tại các nước mới nổi ở châu Á (theo mẫu theo dõi của BVSC) cùng có chung diễn biến lên giá so với cuối năm 2022. Trong đó, đồng Baht của Thái Lan là đồng tiền có diễn biến tăng giá cao nhất 4,76%. Việc VND vẫn có diễn biến lên giá trong bối cảnh NHNN có động thái mua USD trở lại (theo một số nguồn tin) cho thấy áp lực tỷ giá từ ngoại cảnh đang giảm bớt. Kết hợp cùng việc kiểm soát được chỉ số CPI trong những tháng tới về dưới ngưỡng mục tiêu 4,5%, đây sẽ là cơ sở để hạ tiếp mặt bằng lãi suất và dần nới lỏng hơn về chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng.
Thị trường tiền gửi dân cư, lãi suất huy động gần như đi ngang trong tháng 1, có dấu hiệu giảm nhiệt từ cuối tháng. Với áp lực hỗ trợ tỷ giá giảm bớt, BVSC cho rằng áp lực tăng lãi suất không còn trong năm 2023. Thay vào đó, chính sách tiền tệ năm nay nhiều khả năng sẽ chuyển sang hướng hỗ trợ cho tăng trưởng. BVSC kỳ vọng lãi suất sẽ giảm trở lại trong năm 2023 này, với các dấu hiệu rõ nét hơn từ Quý 2, khi Fed ngừng việc tăng lãi suất và lạm phát của Việt Nam hạ nhiệt.
Theo NHNN, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2023 sẽ ở mức 14-15%. BVSC cho rằng với mặt bằng lãi suất cao, khu vực bất động sản gặp khó khăn và triển vọng kinh tế kém tích cực, tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 sẽ chỉ ở khoảng 13%.
Đánh giá từ giả định mức lãi suất mục tiêu mà Fed hướng đến có thể dao động quanh 5% trong năm 2023, VCBS cho rằng để đảm bảo các cân đối kinh tế vĩ mô, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng nhiều khả năng tiếp tục cao hơn đáng kể so với năm ngoái, mặt bằng trung bình khả năng cao neo quanh 7% đối với các kỳ hạn 1 đến 3 tháng.