Myanmar không chỉ có Chùa Vàng

Myanmar không chỉ có Chùa Vàng
TP - Nói đến Myanmar người ta hay nghĩ tới đất Phật và những ngôi chùa dát vàng 24k như ngôi chùa Shwedagon ở Yangon nổi tiếng, tôi nhìn đất nước và con người nơi này từ một góc khác, dân dã, bình dị hơn.

 > "Cháy" tour ngoại chơi Tết

Chèo thuyền bằng một chân
Chèo thuyền bằng một chân.

Tiệm ăn Việt Nam duy nhất ở Yangon

Tại thành phố Yangon 5 triệu dân lớn nhất Myanmar hiện nay chỉ duy nhất nhà hàng Sen Việt là tiệm ăn Việt Nam. Tiệm Sen Việt tọa lạc trên một lô đất rộng tại địa chỉ số 31A đường Kan Yeik Thar, khu đô thị Mayagone, Yangon. Chủ tiệm này là ông Hùng, một người Việt quê ở tỉnh Sơn Tây trước đây, nay thuộc Hà Nội mở rộng.

Ông Hùng thuộc thế hệ người Việt thứ hai ở Myanmar. Cha ông rời quê sang Yangon từ năm 1945, kết hôn với một phụ nữ Myanmar. Đến nay ông không biết họ của cha mình là gì, cũng không nhớ rõ quê hương của ông ở địa phương nào thuộc tỉnh Sơn Tây nữa.

Trong ký ức, ông chỉ nhớ mỗi việc cha mẹ đặt cho ông tên Hùng để gắn với Việt Nam. Cách đây vài năm, sau khi cha qua đời, ông Hùng tìm về Việt Nam nhưng không có địa chỉ cụ thể nên không thể tìm được nơi quê cha đất tổ. Ông chỉ loanh quanh ở Hà Nội vài ngày rồi trở lại Yangon.

Bằng thứ tiếng Việt chưa sõi, ông Hùng kể với khách du lịch Việt Nam rằng ngày cha mới sang Myanmar phải bươn chải qua nhiều nghề kiếm sống mà nuôi vợ con vẫn chật vật. Ông Hùng không muốn lặp lại cuộc đời gian truân của cha nên xoay đủ cách làm ăn với hy vọng đổi đời.

Ông mở tiệm ăn Sen Việt cách đây hơn một năm, chuyên phục vụ các món ăn Việt Nam, có sự hợp tác đầu tư của một một người Việt từ trong nước. Tiệm cơm Sen Việt bài trí đẹp, khang trang, có chỗ đỗ xe ô tô khá rộng, luôn đông thực khách. Các tua du lịch từ Việt Nam sang thường được các hướng dẫn viên của đoàn đưa đến tiệm Sen Việt.

Taxi Yangon cũ nát

Hạ tầng giao thông tĩnh của Yangon khá tốt, chứng tỏ thành phố này đã có một thời phát triển rực rỡ, đường phố rộng, phân làn, tuyến và biển báo rõ ràng, chỉ có điều mặt đường không phẳng và nhiều đường ở trung tâm nhiều ổ gà nham nhở-dấu hiệu của một nền kinh tế hiện tại còn nhiều khó khăn. Không chỉ những người Việt mà cả bà giáo người Mỹ đang dạy Địa lý tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng có nhận xét trật tự giao thông đường bộ ở Yangon tốt hơn nhiều so với ở Việt Nam.

Điều thú vị là cả thành phố 5 triệu dân nhưng không thấy có xe gắn máy hai bánh chạy trên đường như ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Người lái xe taxi cho biết chính quyền Yangon cấm xe gắn máy hai bánh tư nhân nên phương tiện đi lại của dân thành phố này chủ yếu là xe bus và taxi. Chỉ một vài cơ quan nhà nước được phép sử dụng xe công gắn máy hai bánh số lượng rất hạn chế.

Thành phố có vẻ còn nghèo nhưng rất nhiều ô tô chạy trên đường. Tuy nhiên, ước chừng có đến 98% xe hơi ở Yangon là cũ nát, có nhiều xe từ đời 50 thế kỷ trước vẫn lăn bánh trên đường. Số còn lại đa phần là các xe đời 1980 thế mà giá bán cũng khoảng 14.000 USD/chiếc. Những xe này do nhiều hãng nước ngoài chế tạo nhưng nhiều nhất là hãng Nhật Bản.

Tôi đã từng đi taxi cũ nát đến mức không có táp-lô phía trước mặt người lái, sàn xe dưới ghế khách để chân han rỉ thủng lỗ to như nắm tay nhìn thấy cả mặt đường thế mà xe vẫn chạy băng băng. Tài xế taxi cho biết xe này nhãn hiệu Corolla được hãng Toyota của Nhật Bản chế tạo từ năm 1950. Tất cả taxi ở Yangon mà tôi từng thấy đều không có đồng hồ tính cước, cung đường nào hành khách cũng phải mặc cả giá cước với tài xế. Thấy tôi ngạc nhiên về xe tay lái nghịch vẫn được phép lưu hành, người lái taxi bật cười nói rằng luật đường bộ Myanmar xác định lối đi bên phải nhưng nếu cấm lưu hành chỉ vì tay lái nghịch thì lấy xe đâu mà chạy.

Một tuần ở Myanmar tôi chưa thấy tài xế nào cài dây an toàn khi đang lái xe. Tài xế taxi của tôi nói xe cũ nát làm gì có dây an toàn để mà cài. Vậy nên những lỗi tay lái nghịch, cài dây an toàn, xe cũ nát tham gia giao thông không thuộc phạm trù quan tâm của cảnh sát giao thông.

Đàn ông mặc váy ăn trầu, đàn bà má trắng

Đàn ông Myanmar mặc váy truyền thống mà tiếng bản địa gọi là longyi khá phổ biến. Cảnh các quí ông thản nhiên đứng nơi đông người mở tung váy ra để quấn lại cho chặt là chuyện thường thấy. Đàn ông Myanmar ăn trầu miệng lúc nào cũng tóp tép và môi thì đỏ như máu.

Trên hè phố Yangon cứ khoảng vài chục mét lại thấy một ki - ốt bán trầu. Thành phần của một miếng trầu Myanmar về cơ bản giống trầu ở Việt Nam gồm lá trầu, vôi, hạt cau tươi, và một loại lá giống như lá quế thái nhỏ như sợi thuốc lá, nhưng không có vỏ cây chay và têm cánh phượng như trầu ở vùng quan họ Bắc Ninh bên mình.

Trong khi đàn ông Myanmar mặc váy và ăn trầu thì phụ nữ nước này đánh son môi nhưng không đánh má hồng mà lại đánh má trắng như quét một vệt vôi to bằng 3 ngón tay lên má. Thứ bột trắng này gọi là tanaka lấy từ thân hay củ của một loại cây rừng giống như sắn dây bên ta. Thứ bột trắng này không dành riêng cho các thiếu nữ mà cả trẻ em gái lẫn các bà già. Người Myanmar nói rằng thứ bột trắng quét lên má làm cho da mặt luôn mát lạnh trong khí hậu nóng ẩm.

Cà chua ngọt trên hồ Inle

Cách Yagon đúng một giờ bay về phía bắc có một hồ nước đẹp đến mức khách du lịch châu Âu nói rằng đến Myanmar mà chưa tới hồ Inle (có người gọi là hồ Inlay) coi như chưa đến Myanmar. Hồ Inle dài 20km, rộng 11 km chỗ sâu nhất 7m. Chúng tôi mất hai  ngày mới thăm hết các làng nghề và thắng cảnh ở hồ Inle.

Hai điều đặc trưng và thú vị nhất ở hồ này là người dân địa phương trồng cà chua sạch trên mặt nước hồ và dân chài chèo thuyền bằng một chân rất điệu nghệ. Họ, một chân đứng trên đuôi con thuyền gỗ, một chân quặp lấy phần giữa mái chèo nách kẹp đầu mái chèo. Người đánh cá dùng một chân đẩy mái chèo rất khéo vừa để giữ thăng bằng trong khi đôi tay đang gỡ lưới.

 Vì sống giữa hồ không có đất nên dân địa phương có cách làm vườn đơn giản là vớt cỏ và bèo lục bình chất thành đống kéo dài nổi trên mặt nước. Khi cỏ và bèo lục bình chết đi tự biến thành một lớp phân hữu cơ dày hơn một mét nổi trên mặt hồ. Khi đó họ dùng những cây sào tre cắm xuyên qua để vừa làm giàn vừa giữ cho luống khỏi trôi rồi trồng cà chua, đậu, dưa leo,... lên trên mà không cần tưới và phun thuốc trừ sâu. Cà chua trồng theo cách này phát triển nhanh và trái có vị ngọt thơm đặc biệt. Dân địa phương dùng làm món salad rất lạ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG