Mỹ vừa muốn đàm phán, vừa muốn áp lệnh trừng phạt mới Triều Tiên

Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun cho biết ngày 19/6, Mỹ muốn nối lại đàm phán vô điều kiện với Triều Tiên.
Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun cho biết ngày 19/6, Mỹ muốn nối lại đàm phán vô điều kiện với Triều Tiên.
TPO - Phát biểu tại Hội đồng Đại Tây Dương, đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun cho biết, Mỹ hy vọng nối lại đàm phán với Triều Tiên, còn Bộ trưởng Tài chính lại đưa ra các lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên.

Như vậy, trong cùng một ngày, các quan chức Mỹ đã mang tới hai thông điệp khác nhau về Triều Tiên trong bối cảnh cơ hội nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ- Triều đang tới gần khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ lá thư mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gửi cho ông.

Buổi sáng, đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun đã dùng bài phát biểu công khai của mình để nhấn mạnh rằng, cánh cửa đã mở ra cho đàm phán và không đòi hỏi điều kiện gì.

“Chúng tôi chờ đợi và hy vọng rằng, trong một tương lai không xa, chúng tôi sẽ nối lại các tiến trình đàm phán một cách thiết thực”, ông Stephen Biegun nói.

Ông Stephen cũng chỉ ra rằng, kể từ sau cuộc họp thượng đỉnh tại Hà Nội hồi tháng 2 vừa qua, không có một cuộc đàm phán nào diễn ra giữa Mỹ và Triều Tiên, dù là cuộc đàm phán cấp làm việc.

Buổi chiều cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên. Lần này lệnh trừng phạt nhằm vào các công ty tài chính Nga bị cáo buộc cung cấp các dịch vụ cho Bình Nhưỡng nhằm hỗ trợ các chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.

Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo rằng, những công ty này nỗ lực phá hoại chính quyền Mỹ  bằng việc cung cấp các dịch vụ cho Triều Tiên có thể thâm nhập vào thị trường tài chính toàn cầu và sẽ phải nhận lấy các nguy cơ bị trừng phạt đáng kể.

Mỹ đã khẳng định việc duy trì cách tiếp cận song song, tức là vừa đối thoại, vừa áp đặt lệnh trừng phạt. Đây là một động thái hiếm hoi khi hai thông điệp như vậy được đưa ra trong cùng một ngày và trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp thăm Triều Tiên lần đầu tiên.

“ Chúng tôi muốn hết sức thận trọng trong thông điệp mà chúng tôi gửi đi. Có bạn hỏi liệu chúng tôi có đưa điều kiện gì không. Câu trả lời là không”,  ông Stephen nói.

Ngoài ra, ông Stephen cho biết thêm, các cuộc đàm phán với Triều Tiên phải được chuẩn bị để thảo luận về các vấn đề phi hạt nhân hóa. Ông hy vọng, chắc chắn sẽ đạt được thành công.

Một số hy vọng về động lực mới sẽ được tạo ra sau một loạt các cuộc gặp cấp cao tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tuần tới tại Nhật Bản như cuộc gặp Trump- Tập, Trump- Moon và chuyến thăm Seoul của ông Trump sau G20.

Mỹ vừa muốn đàm phán, vừa muốn áp lệnh trừng phạt mới Triều Tiên ảnh 1 Đặc phái viên Mỹ và đặc phái viên Hàn Quốc về vấn đề Triều Tiên đều thúc giục Triều Tiên sớm nối lại các cuộc đàm hán hạt nhân.
Cùng tham dự cuộc đối thoại tại Hội đồng Đại Tây Dương với đặc phái viên Mỹ Stephen còn có đặc phái viên Hàn Quốc Lee Do-hoon. Ông Lee đã thúc giục Triều Tiên tổ chức cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trước chuyến thăm của ông Trump tới Hàn Quốc.

Kể từ năm ngoái đến nay, Tổng thống Hàn Quốc và nhà lãnh đạo Triều Tiên gặp nhau tại ba cuộc họp thượng đỉnh liên  Triều và đang có kế hoạch cho cuộc gặp thượng đỉnh thứ tư nhưng vẫn đang bị đình trệ do bế tắc trong các đám phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên.

Ông Lee thúc giục Triều Tiên hãy nắm lấy cơ hội này. Tuy nhiên, ông Lee cũng cho biết, chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục thực thi các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc cho tới khi nào đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

“ Chúng cũng chỉ là công cụ cho việc đưa ra các giải pháp thông qua các cuộc đàm phán”, ông Lee nói.

Theo Yonhap
MỚI - NÓNG