Tết nhâm dần

Mỹ ưu tiên vắc xin cho Việt Nam như thế

0:00 / 0:00
0:00
TP - Vào thời điểm tháng 4/2020, khi Mỹ đang vật lộn đối phó với làn sóng COVID-19 khủng khiếp mà không có gì trong tay, một cố vấn rất thân thiết với Tổng thống Donald Trump hồi đó đã gọi điện cho Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc.

“Thực sự lúc đó tôi không biết Việt Nam ta có gì. Họ cũng chưa nói họ cần gì. Nhưng khi nghe cú điện thoại đó, điều đầu tiên tôi khẳng định là ‘cái gì chúng tôi có thể làm được, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ nhân dân Mỹ vào thời điểm khó khăn này’”, Đại sứ Hà Kim Ngọc chia sẻ với PV Tiền Phong.

Mỹ ưu tiên vắc xin cho Việt Nam như thế ảnh 1

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: TTXVN

Người bạn trong lúc khó khăn

Sau cú điện thoại trên, Đại sứ Ngọc cho biết ông đã gọi điện về xin ý kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó. “Thủ tướng nói một câu khiến chúng tôi rất cảm động: “Bất cứ điều gì chúng ta có thể làm được để giúp đỡ nhân dân Mỹ lúc này thì chúng ta sẵn sàng”, Đại sứ kể lại. Không lâu sau, chuyến hàng đầu tiên gồm các trang thiết bị y tế, khẩu trang do Việt Nam tặng được đưa đến Mỹ. Việt Nam là nước duy nhất mà Tổng thống Donald Trump khi đó nhắc đến trong dòng tweet: “Cảm ơn các bạn Việt Nam về sự giúp đỡ này”. Không quên nghĩa cử trong lúc khó khăn, hai bên sau này thường nói với nhau “Những người bạn trong lúc hoạn nạn là những người bạn thực sự”, Đại sứ Ngọc cho biết.

Mỹ ưu tiên vắc xin cho Việt Nam như thế ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc đón Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm Việt Nam ngày 25/8 Ảnh: Đoàn Bắc

Trong những tháng đầu năm nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên khắp thế giới, với sự xuất hiện và lây lan của các biến chủng mới, nhất là Delta, yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, trong khi nguồn vắc xin trên thế giới còn khan hiếm. Đại sứ Ngọc cho biết khi đó rất nhiều nước cạnh tranh với nhau và quyết liệt vận động Mỹ, trong khi Mỹ nghĩ rằng Việt Nam xử lý khá tốt làn sóng COVID-19 thứ ba, nên họ không xếp Việt Nam trong danh sách ưu tiên.

Nhân chuyến thăm trụ sở Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Geneva, Thụy Sĩ, và có buổi làm việc với Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus vào ngày 28/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thông báo Việt Nam sẽ đóng góp tự nguyện thêm 500.000 USD cho COVAX, nâng tổng mức đóng góp tự nguyện của Việt Nam cho COVAX lên 1 triệu USD, thể hiện mạnh mẽ tình đoàn kết quốc tế và nỗ lực trách nhiệm của Việt Nam.

Đại sứ Hà Kim Ngọc

Trước tình hình đó, Đại sứ Ngọc cho biết ông và các cán bộ Đại sứ quán đã vào cuộc để vận động quyết liệt. Việt Nam đã có 2 động tác rất quan trọng. Đó là bức thư của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 30/5, trong đó đề nghị Mỹ hỗ trợ vắc xin cho Việt Nam. Động thái thứ hai là quyết định của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc đóng góp 500.000USD cho chương trình COVAX, để thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc chung tay cùng cộng đồng quốc tế đối phó và đẩy lùi đại dịch.

Ngoại giao vắc xin có ý nghĩa rất rộng chứ không chỉ là đi xin vắc xin. Vận động cấp cao có vai trò rất quan trọng trong giai đoạn cả thế giới đều giành giật nguồn vắc xin khan hiếm. Một ví dụ là Pfizer lúc đầu nói nước đôi rằng sẽ cố gắng từ nay tới cuối năm chuyển giao theo cam kết. Nhưng sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với Chủ tịch, Giám đốc điều hành Pfizer, ông Albert Bourla, vào tháng 8 và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến thăm trụ sở công ty tại New York tháng 9, Pfizer nói từ nay đến cuối năm sẽ bàn giao hết.

Đại sứ Hà Kim Ngọc

Sự vận động quyết liệt đó khiến Mỹ hiểu rằng Việt Nam đang thực sự cần vắc xin, cùng với việc không quên sự giúp đỡ của Việt Nam vào thời điểm khó khăn, nên chỉ vài ngày sau Mỹ đã có một thay đổi rất quan trọng: đưa Việt Nam từ danh sách bình thường lên danh sách ưu tiên. Khi đó, Mỹ đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, đạt độ phủ vắc xin khá cao và chuyển hướng sang ngoại giao vắc xin để khôi phục vị thế của mình. Ngày 10/7, hai triệu liều vắc xin về đến Việt Nam, trong bối cảnh mặt hàng này đang rất khan hiếm. “Việc Việt Nam rất trân trọng và sử dụng rất hiệu quả vắc xin đã tạo động lực để Mỹ tiếp tục cung cấp vắc xin cho ta”, Đại sứ Ngọc nói.

Mỹ sau đó có thêm nhiều đợt chuyển vắc xin cho Việt Nam nữa. Nhân chuyến thăm Việt Nam, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đích thân đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để dự lễ bàn giao 1 triệu liều vắc xin cho Việt Nam. Phát biểu tại buổi lễ, bà nhắc lại sự giúp đỡ của Việt Nam khi nước Mỹ đang trong giai đoạn khó khăn. Tính đến tháng 12, Mỹ đã cung cấp cho Việt Nam gần 25 triệu liều, bằng 1/3 lượng vắc xin Mỹ cung cấp cho cả khu vực Đông Nam Á. Không chỉ viện trợ vắc xin, Mỹ còn tặng Việt Nam 111 tủ lạnh âm sâu trị giá 1 triệu USD; hỗ trợ Việt Nam khoảng 40 triệu USD trong cung cấp trang thiết bị y tế, đào tạo kỹ năng cho lực lượng y tế trong phòng chống dịch. Đại sứ Ngọc cho rằng điều này thể hiện trạng thái quan hệ Việt - Mỹ đang ở mức tốt nhất từ trước đến nay.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Harris, Mỹ đã thành lập Văn phòng CDC khu vực tại Hà Nội. Đại sứ Ngọc khẳng định đây là bước đi quan trọng, thể hiện sự tin tưởng, nâng cao hơn nữa tầm mức hợp tác giữa hai nước. “Chúng tôi đang phấn đấu để Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất vắc xin, thuốc điều trị, các trang thiết bị y tế. CDC khu vực của Mỹ ở Hà Nội sẽ giúp chúng ta làm điều đó. Hiện nay công ty Mỹ đã chuyển giao công nghệ vắc xin mRNA cho Việt Nam. Hy vọng đầu năm 2022 chúng ta sẽ có vắc xin chất lượng cao”, Đại sứ Ngọc nói.

Thành quả ngọt ngào

Không chỉ Mỹ, trong năm qua đã có rất nhiều đối tác hỗ trợ Việt Nam vắc xin, thuốc và trang thiết bị y tế. Trước yêu cầu cấp bách về phòng chống đại dịch, ngày 13/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin, để thúc đẩy hơn nữa việc vận động các đối tác và tổ chức viện trợ, cung cấp vắc xin, trang thiết bị y tế cho Việt Nam.

Với sự vào cuộc quyết liệt đó, nỗ lực ngoại giao vắc xin của Việt Nam đã thu về những thành quả ngọt ngào. Tính đến tháng 12 vừa qua, Việt Nam đã tiếp nhận trên 150,6 triệu liều vắc xin COVID-19 và nhiều trang thiết bị y tế, thuốc men từ các đối tác song phương, đa phương cũng như kiều bào ta ở nước ngoài. Tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 1 của Việt Nam đã đạt trên 95%, mũi hai đạt gần 80%, theo số liệu của Bộ Y tế.

Trong thời gian tới, đại dịch COVID-19 có thể còn diễn biến phức tạp, trong khi thế giới vẫn thiếu vắc xin và thuốc điều trị. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Tổ công tác đã xây dựng kế hoạch mua vắc xin cho năm 2022 nhằm bảo đảm vắc xin cho trẻ em và tiêm mũi thứ 3 cho người trưởng thành, tiếp tục tiếp cận nguồn thuốc điều trị, tăng cường kết nối, hỗ trợ hợp tác nâng cao năng lực y tế.

MỚI - NÓNG