Nga và Trung Quốc vừa phản đối đề nghị của Mỹ trước Liên Hợp Quốc là đưa một ngân hàng Nga, một chi nhánh ngân hàng Triều Tiên tại Moscow và hai tổ chức khác vào danh sách đen của Hội đồng Bảo an.
Reuters trích dẫn nguồn tin ngoại giao nói danh sách này cụ thể hóa các biện pháp trừng phạt mà Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố tuần trước.
Phía Mỹ đưa ra lời đề nghị này trước 15 thành viên của Ủy ban chuyên trách về trừng phạt CHDCND Triều Tiên của Hội đồng Bảo an, hoạt động trên cơ sở đồng thuận.
Nga phản đối đề nghị này bởi theo Moscow, nó “không được chứng minh đầy đủ dựa trên các thông tin đầy đủ”, theo lời các nhà ngoại giao nói với Reuters. Trung Quốc phản đối nhưng không đưa ra lý do.
Nga và Trung Quốc trước đó đã đề nghị Hội đồng Bảo an thảo luận về việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gặp nhau lần đầu tiên và đưa ra cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Mỹ và một số thành viên Hội đồng Bảo an nói cần củng cố các lệnh trừng phạt cho đến khi Bình Nhưỡng hành động (giải trừ hạt nhân).
Tuần trước, Washington đề nghị ngăn chặn hoạt động của ngân hàng Agrosoyuz có trụ sở ở Moscow, cấm vận nhà quản lý ngân hàng người Triều Tiên Ri Jong-won, công ty Dandong Zhongsheng Industry & Trade có trụ sở ở Đan Đông, Trung Quốc và công ty Korea Ungum của Triều Tiên.
Bộ Tài chính Mỹ nói ngân hàng Agrosoyuz đã tiến hành những “giao dịch đáng kể” cho một đại diện ngân hàng của Triều Tiên là Han Jang-su, người có tên trong “danh sách đen” mà Mỹ lập. Ông Han là đại diện tại Moscow của FTB, ngân hàng ngoại thương chủ chốt của Bắc Triều. FTB đã bị Hội đồng Bảo an đưa vào danh sách đen vào tháng 8/2017. Ông Ri là phó đại diện của FTB ở Moscow.
Nga sẽ trả đũa
Không chỉ áp đặt lệnh trừng phạt Nga với cáo buộc “làm ăn với Triều Tiên, vi phạm lệnh cấm của Liên Hợp Quốc”, Mỹ còn nêu lý do khác, liên quan đến sự kiện mà phương Tây gọi là “vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và
con gái”.
Hôm thứ Tư vừa qua, Mỹ thông báo một loạt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga.Washington nói, họ sẽ áp đặt lệnh trừng phạt mới vào cuối tháng 8 này, sau khi xác định rằng Moscow đã sử dụng chất độc thần kinh để sát hại cựu điệp viên Nga và con gái tại Anh.
Tuần trước, các nghị sỹ Mỹ tung ra một bản dự thảo đề nghị hạn chế các hoạt động của nhiều ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước của Nga ở Mỹ, hạn chế để họ sử dụng đồng dollar Mỹ.
Về việc này, hôm qua, Thủ tướng Nga Medvedev nói nước này sẽ dùng tới các biện pháp trả đũa trên các phương diện kinh tế, chính trị nếu Mỹ nhắm tới các ngân hàng Nga. “Tôi không muốn bình luận hay nói nhiều về các lệnh trừng phạt trong tương lai, nhưng tôi có thể nói một điều: Nếu ai đó cấm hoạt động của ngân hàng hoặc ngăn cản dòng tiền tệ, đó có thể coi đó là một lời tuyên chiến kinh tế”, ông Medvedev nói.“ Và (chúng ta) phải phản ứng với cuộc chiến này trên các phương diện kinh tế, chính trị, hoặc nếu cần thiết, là các biện pháp khác. Những người bạn Mỹ của chúng ta cần hiểu điều đó”, thủ tướng Nga nói khi đang trong chuyến đi tới vùng Viễn Đông, Sputnik đưa tin.
Cho đến nay, dự thảo luật kể trên vẫn chưa được giới chức Mỹ thông qua.Phải đến tháng 9, quốc hội Mỹ mới họp trở lại và ngay cả khi đó, các chuyên gia nói họ không nghĩ là dự thảo sẽ được thông qua toàn bộ.Và việc cấp bách hơn là thảo luận để tìm ra giải pháp để chính phủ Mỹ thoát khỏi tình trạng đóng cửa. Cuối tháng 7 vừa rồi, tổng thống Donald Trump đã tuyên bố sẽ đóng cửa chính phủ liên bang nếu quốc hội không thông qua các biện pháp cứng rắn ngăn chặn người nhập cư, theo New York Times.
Một loạt các lệnh trừng phạt đã khiến đồng rúp rơi xuống mức thấp nhất trong hai năm qua. Các nhà đầu tư đã có những động thái “bỏ chạy”, bán tháo cổ phiếu vì e ngại Nga sẽ sa lầy trong chuỗi lệnh trừng phạt không biết bao giờ mới kết thúc.