Kết thúc hội nghị thượng đỉnh G-20:

Mỹ - Trung tạm ngừng áp thuế 90 ngày

Ông Tập và ông Trump đã đồng ý tạm ngừng áp thuế trong 90 ngày Ảnh: TTXVN
Ông Tập và ông Trump đã đồng ý tạm ngừng áp thuế trong 90 ngày Ảnh: TTXVN
TP - Lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ, Trung Quốc đã đồng ý tạm  ngừng gia tăng việc áp thuế vào hàng hóa của nhau trong bữa tiệc tối thứ Bảy tổ chức tại Argentina, theo CNN. Trong khi đó, G-20 kết thúc với thông cáo chung nhấn mạnh sự cần thiết phải cải tổ tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Sau hai tiếng rưỡi thảo luận với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump  đã đồng ý duy trì mức thuế hiện tại 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, không tăng lên 25% như dự kiến trước đó (thực hiện từ 1/1/2019), theo một tuyên bố từ thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders.

Để đổi lại, Trung Quốc đồng ý mua một số lượng “rất đáng kể” nông sản, nhiên liệu và các loại hàng hóa khác từ Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc.

Mô tả cuộc gặp kéo dài hơn dự kiến là “thân thiện và thẳng thắn”, Ủy viên Quốc vụ, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị  nói hai nhà lãnh đạo đã đồng ý mở cửa thị trường cho nhau và thúc đẩy các đàm phán nhằm loại bỏ mọi loại thuế quan bổ sung.

Báo chí Trung Quốc nói cuộc gặp đã đạt đồng thuận quan trọng, “vạch ra hướng đi” cho quan hệ Trung- Mỹ trong tương lai gần.

Theo tuyên bố của Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo đồng ý thực thi ngay các cuộc đàm phán về những điểm phía Mỹ quan tâm nhiều nhất liên quan đến chuyển giao công nghệ, đánh cắp sở hữu trí tuệ và tội phạm trên không gian mạng. Hai bên đồng ý hoàn tất các thương thảo trong vòng 90 ngày. Nếu không đạt được thỏa thuận, thuế suất 10% sẽ được nâng lên 25%.  Trong bình luận của mình, ông Vương Nghị không nhắc gì đến thời hạn 90 ngày nói trên.

Cùng ăn tối với ông Trump còn có ngoại trưởng Mike Pompeo, bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, cố vấn-con rể Jared Kushner, cố vấn kinh tế Larry Kudlow...

Phía Trung Quốc, ngoài chủ tịch Tập, có Đinh Tiết Tường, chủ nhiệm Văn phòng Trung ương đảng, Phó thủ tướng Lưu Hạc, chủ nhiệm Ban Đối ngoại trung ương Dương Khiết Trì, ủy viên quốc vụ kiêm ngoại trưởng Vương Nghị, chủ nhiệm Ủy ban cải cách và phát triển Quốc gia Hà Lập Phong, bộ trưởng Thương mại Chung Sơn, đại sứ tại Mỹ Thôi Thiên Khải, thứ trưởng Thương mại Vương Thụ Văn.

Cải tổ WTO

Tất cả các lãnh đạo G-20 kêu gọi cải tổ WTO và vấn đề này sẽ được thảo luận vào hội nghị năm tới ở Osaka, Nhật Bản, theo tường thuật của AP. Tuy nhiên tuyên bố chung cuối cùng của G-20 không đề cập chủ nghĩa bảo hộ sau khi Mỹ phản đối ngôn từ trong tuyên bố. Ông Trump trước đó chỉ trích WTO, áp dụng chính sách thương mại “gây hấn” với Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Vào cuối phiên hội nghị G-20 ở Buenos Aires, Argentina, Phó thủ tướng, bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso đã giới thiệu các vấn đề ưu tiên mà các bộ trưởng tài chính, thống đốc ngân hàng thành viên sẽ xem xét vào năm tới khi Nhật nhận vai trò chủ tịch luân phiên G-20 từ Argentina.

Tokyo sẽ kiên định với lập trường rằng sự mất cân bằng tài khoản vãng lai toàn cầu cần được chỉnh sửa thông qua điều phối chính sách đa quốc gia thay vì các thỏa thuận song phương, Reuters dẫn lời các quan chức Nhật. Theo họ, mất cân đối tài khoản vãng lai cần được điều chỉnh thông qua việc cải thiện tỷ lệ giữa đầu tư và tiết kiệm bằng chính sách vĩ mô kèm cải tổ cơ cấu kinh tế, tài chính.

Mất cân bằng thương mại từng là một chủ đề chính của hội nghị G-20, tập trung vào tài khoảng vãng lai của từng quốc gia, hoặc tổng thể dòng tiền lưu thông.

Phương pháp tiếp cận của Nhật Bản đi ngược lại cách thức của tổng thống Mỹ Donald Trump, tập trung vào việc làm giảm bớt thâm hụt thương mại bằng việc áp thuế và sử dụng các thỏa thuận song phương. Chính phương pháp tiếp cận này cùng với chính sách “nước Mỹ trên hết” của ông Trump đã phủ bóng đen lên các cuộc tranh luận tại hội nghị G-20  lần này.

Quan điểm của Nhật Bản nhấn mạnh rằng thay vì tập trung quá nhiều vào chuyện mất cân đối thương mại song phương, cần chú ý hơn về dòng chảy tiền vốn tổng thể và các yếu tố cấu trúc đằng sau thâm hụt thương mại của Mỹ, ví dụ như thiếu hụt tiết kiệm trong nước.

Thông cáo chung của G-20 do 20 nước thành viên ký thông qua nói19 nước tái khẳng định cam kết đối với  Thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu. Nước duy nhất không cam kết là Mỹ, khi ông Trump đã rút nước này khỏi thỏa thuận khi mới lên nắm quyền, sẽ thực thi trong năm 2019. Thỏa thuận chung Paris, chi phối các biện pháp giảm carbon dioxite từ năm 2020,được thông qua ngày 12/12/2015.

Và sau hai năm đàm phán, ông Trump đã ký vào một hiệp định thương mại mới với lãnh đạo Canada và Mexico bên lề hội nghị G-20. Thỏa thuận này sẽ thay thế Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), vốn từ lâu bị ông Trump mô tả là “một thảm họa”.

Hiệp định mới sẽ chưa có hiệu lực cho đến khi được các cơ quan lập pháp của mọi nước thông qua và vẫn còn đó các câu hỏi về tương lai của hiệp định tại quốc hội lưỡng viện Mỹ, nhất là khi đảng Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện. Nhiều khả năng các nghị sỹ Dân chủ sẽ yêu cầu thay đổi nhiều điểm.

Nhưng theo AP, trên đường trở về Washington, ông Trump nói đã lên kế hoạch chính thức chấm dứt NAFTA, vì thế quốc hội chỉ có thể chọn hiệp định thương mại mới, hoặc là không tồn tại hiệp định nào hết.

MỚI - NÓNG