Mỹ, Triều Tiên cân nhắc trao đổi các sỹ quan liên lạc

Tranh minh họa của Yonhap về hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều lần 2.
Tranh minh họa của Yonhap về hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều lần 2.
TPO - Mỹ và Triều Tiên đang nghiêm túc xem xét việc trao đổi các sỹ quan liên lạc khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Việt Nam.

Trích dẫn các nguồn tin ngoại giao cao cấp, CNN cho rằng, bước đầu tiên trong việc thiết lập quan hệ mới giữa Mỹ và Triều Tiên có thể là trao đổi sĩ quan liên lạc.

Việc thiết lập quan hệ song phương mới là một trong những cam kết mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đạt được tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên  tại Singapore vào tháng 6 năm ngoái.

Hai bên dự kiến sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai vào ngày 27 và 28/2 tại Hà Nội và dự kiến sẽ tập trung vào việc làm sáng tỏ cam kết của ông Kim về hoàn thành phi hạt nhân hóa thông qua các biện pháp tương ứng từ phía Mỹ.

Nếu mọi việc suôn sẻ, Mỹ có thể cử một số sĩ quan liên lạc để thành lập văn phòng tại Triều Tiên, dẫn đầu là một sĩ quan đối ngoại cao cấp có thể nói tiếng Triều Tiên. Tuy nhiên, một nguồn tin ngoại giao nói với Yonhap rằng, chỉ một  văn phòng liên lạc có thể không đủ để khiến Triều Tiên đưa ra nhiều nhượng bộ.

"Triều Tiên không coi tuyên bố kết thúc chiến tranh hoặc việc thiết lập văn phòng liên lạc là một biện pháp tương ứng có giá trị tương đương như việc dỡ bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon của họ", một nguồn tin cho biết.

Một tuyên bố kết thúc chiến tranh cũng được cho rằng sẽ nằm trong các dự định của Triều Tiên khi nước này đang tìm cách chính thức chấm dứt cuộc chiến Triều Tiên 1950-53, thay vì  hiệp định đình chiến, vốn không phải là một hiệp ước hòa bình.

Ông Lee Hae-chan, người đứng đầu Đảng Dân chủ cầm quyền của Hàn Quốc, cũng nói với các phóng viên ở Washington tuần trước rằng, Triều Tiên có vẻ quan tâm hơn đến các nhượng bộ kinh tế, như việc nới lỏng các các lệnh trừng phạt quốc tế, mở lại một khu công nghiệp liên Triều và nối lại tour du lịch đến núi Kim Cương.

Ông nói: "Một văn phòng liên lạc sẽ đi đôi với tuyên bố kết thúc chiến tranh, nhưng tôi đoán là chúng sẽ không nằm trong danh sách ưu tiên của Triều Tiên".

Một khung thỏa thuận về việc trao đổi các sỹ quan liên lạc giữa Mỹ và Triều Tiên đã đạt được vào năm 1994, trong đó hai bên nhất trí với số lượng sỹ quan liên lạc của mỗi bên gồm 7 người. Tuy nhiên một năm sau, Triểu Tiên đã hủy bỏ kế hoạch này sau căng thẳng bùng lên từ vụ bắn hạ một chiếc trực thăng của Mỹ băng qua Khu phi quân sự vào Triều Tiên.

Trong tuần này, Washington và Bình Nhưỡng có kế hoạch tổ chức các cuộc đàm phán trước hội nghị thượng đỉnh tại một quốc gia châu Á thứ ba.

Theo Yonhap
MỚI - NÓNG