Mỹ tấn công Syria, Trung Quốc đứng nhìn?

Mỹ tấn công Syria, Trung Quốc đứng nhìn?
TP - Đặc phái viên Liên Hợp Quốc - Liên đoàn Ảrập về Syria hôm qua nói rằng, có bằng chứng ban đầu cho thấy, một số chất hóa học đã được dùng trong vụ tấn công tuần trước ở Syria. Báo Mỹ trích lời một số quan chức nước này nói rằng, Mỹ sẽ tấn công Syria vào hôm nay (29/8).

> Ai sát cánh Syria nếu bị Mỹ tấn công?
> Mỹ sẽ đánh Syria bằng vũ khí gì?

Thi thể được cho là các nạn nhân của cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học hồi tuần trước ở Syria. Ảnh: Getty Images
Thi thể được cho là các nạn nhân của cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học hồi tuần trước ở Syria. Ảnh: Getty Images.

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc (LHQ) - Liên đoàn Ảrập về Syria, ông Lakhdar Brahimi, nói với các phóng viên tại Geneva rằng, “dường như một số chất đã được sử dụng”. Bên cạnh đó, luật pháp quốc tế quy định rằng, chỉ khi 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ nhất trí, hành động quân sự do Mỹ cầm đầu mới được tiến hành.

“Theo tôi được biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama và chính quyền Mỹ không phải là những người hiếu chiến. Tôi không biết những điều họ sẽ quyết định làm, nhưng luật pháp quốc tế quy định rất rõ ràng”, ông nói.

Hôm qua, Văn phòng Thủ tướng Anh ra thông báo cho biết, Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Mỹ Barack Obama nhất trí: tất cả thông tin mà họ tiếp cận được đều cho thấy “chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học chống lại người dân”.

Tuy nhiên, cùng ngày, Đại sứ Syria tại LHQ, ông Bashar al-Jaafari, nói, có những bằng chứng cho thấy phe nổi dậy “đã sử dụng vũ khí hóa học để lôi kéo can thiệp quân sự và gây hấn chống Syria”.

Phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ đã “cho phép các nhóm khủng bố lập một phòng thí nghiệm tại Thổ Nhĩ Kỳ để sản xuất vũ khí hóa học bằng những nguyên liệu do Thổ Nhĩ Kỳ, Ảrập Xêút và Qatar cung cấp, sau đó tuồn số vũ khí này sang Syria để sử dụng”, ông Jaafari nói.

Đoàn thanh sát viên về vũ khí hóa học của LHQ hôm qua đến các khu vực ở ngoại ô thủ đô của Syria- nơi được cho là hứng chịu vụ tấn công bằng khí độc thần kinh ngày 21/8 khiến hàng trăm người chết.

Dù LHQ chưa có kết luận cuối cùng về vụ việc, các nước phương Tây đã ráo riết lên kế hoạch chiến tranh. Báo Mỹ Washington Post hôm qua trích lời một số quan chức nước này cho hay, Mỹ sẽ tấn công Syria vào hôm nay.

“Hội đồng Bảo an cần hành động”

Anh đã chủ động soạn thảo nghị quyết để trình lên Hội đồng Bảo an LHQ với hai nội dung chính là lên án chính quyền Syria tấn công bằng vũ khí hóa học và “cho phép thực hiện những hành động cần thiết để bảo vệ dân thường” ở Syria, dọn đường cho chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria.

Nghị quyết sẽ được đưa ra trong cuộc họp giữa 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, Thủ tướng Anh David Cameron thông báo trên Twitter ngày 28/8.

Hôm 27/8, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair kêu gọi chính phủ Anh “đứng về phía những người nổi dậy” ở Syria, sử dụng mọi biện pháp, kể cả vũ lực để giải quyết khủng hoảng ở nước này, lật đổ chế độ của Tổng thống Assad. Cùng ngày, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden bác bỏ bất kỳ nỗ lực quân sự nào nhằm lật đổ chế độ của ông Assad.

Tình báo Mỹ đã nghe lén được một quan chức Bộ Quốc phòng Syria thực hiện các cuộc gọi trong hoảng loạn với lãnh đạo đơn vị quân đội phụ trách vũ khí hóa học, vài giờ sau khi có tin về một vụ tấn công bằng khí độc thần kinh ở Damascus, tạp chí Mỹ Foreign Policy đưa tin ngày 27/8.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon hôm qua kêu gọi Hội đồng Bảo an cần có hành động. “Cơ quan chịu trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế thì không thể không hành động… Hội đồng phải đạt được thống nhất để hành động, phải dùng quyền lực của mình vì hòa bình”, Tổng thư ký LHQ nói.

Các chuyên gia LHQ sẽ thu thập thêm bằng chứng sau cuộc kiểm tra đầu tiên ở Syria. Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh rằng, nhóm điều tra cần có thời gian để hoàn thành công việc của họ. Khi đoàn thanh sát viên LHQ vẫn còn ở Syria thì các cuộc tấn công của phương Tây chưa thể thực hiện.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama tin tình báo Mỹ đã xác định được cách chính phủ Syria cất giữ, tập hợp và tấn công bằng vũ khí hóa học trong vụ sử dụng khí độc thần kinh ở ngoại ô Damascus tuần trước, các quan chức Mỹ cho biết.

Chính quyền Mỹ dự định công bố bằng chứng vào hôm nay, để chứng minh Tổng thống Syria phải chịu trách nhiệm về cái chết của hàng trăm người. Báo cáo của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia là một trong những bước cuối cùng để ông Obama đưa ra quyết định tấn công Syria. Điều được coi là không thể tránh khỏi trong thời điểm hiện nay, nhiều chuyên gia nhận định.

Trung Quốc sẽ đứng nhìn?

Các nhà phân tích nhận định, trong khi Mỹ và các đồng minh đang ráo riết chuẩn bị cho một đợt tấn công quân sự vào Syria, làm dấy lên lo ngại về khủng hoảng khu vực, Trung Quốc gần như vẫn đứng ngoài. Theo họ, dù Trung Đông hiện là nguồn cung dầu thô lớn nhất của Trung Quốc, nhưng nước này có rất ít lợi ích kinh tế ở Syria.

Theo các nhà phân tích phương Tây, cuộc xung đột ở Syria làm lộ ra một sự thật không mấy dễ chịu đằng sau chính sách không can thiệp của Trung Quốc: nước này không làm được gì nhiều để tác động những sự kiện đang diễn ra ở đây, ngay cả khi họ muốn. Với lực lượng quân đội yếu và chưa được thử thách trên chiến trường như ở Trung Đông, Trung Quốc chỉ có thể đóng một vai trò khiêm tốn trong khu vực vốn có vai trò chiến lược trong an ninh năng lượng, các nhà phân tích nhận định.

Trung Quốc khẳng định sẽ không ủng hộ hay bảo vệ Tổng thống Assad. Trung Quốc cho biết chỉ phủ quyết nghị quyết của LHQ nếu thấy văn kiện này sẽ làm cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn. Bắc Kinh đã đón cả quan chức của chính phủ lẫn lực lượng đối lập Syria nhằm tìm ra giải pháp chính trị.

Trung Quốc đến nay thể hiện rất ít dấu hiệu cho thấy họ muốn can dự sâu hơn vào Trung Đông, dù về mặt quân sự hay ngoại giao, vì khu vực này họ có rất ít kinh nghiệm, các nhà phân tích phương Tây nhận định.

Theo họ, ngay cả khi chính phủ Trung Quốc làm trái lại nguyên tắc không can thiệp vào công việc của nước khác thì Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc vẫn còn xa mới đạt tới khả năng tác chiến ở những vùng đất quá xa quê nhà.

Nga phản đối

Trong khi đó, Nga, nhà cung cấp vũ khí chính của chính quyền Syria, đã tuyên bố họ sẽ không ủng hộ bất kỳ nghị quyết nào của Hội đồng Bảo an cho phép hành động tương tự như nhiều cuộc chiến trước đây, như vụ NATO đánh bom Libya cách đây 2 năm.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói với đặc phái viên LHQ - Liên đoàn Ảrập về Syria, ông Lakhdar Brahimi, rằng tấn công vào Syria sẽ làm bất ổn nước này cũng như khu vực. Theo ông Lavrov, các tuyên bố cứng rắn và động thái liên quan của một số nước phương Tây đang triệt tiêu những nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Syria.

Nga và Liên đoàn Ảrập nhất trí quan điểm, vào “thời điểm nguy kịch hiện nay”, tất cả các bên phải hành động với tinh thần trách nhiệm cao nhất, để không lặp lại các sai lầm trong quá khứ.

Hôm qua, ông Lavrov điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Tuyên bố được đưa ra sau cuộc điện đàm nêu rõ, Nga bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng, chính phủ Syria đứng đằng sau cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học hồi tuần trước.

Nga vẫn liên tục khẳng định quan điểm rằng, can thiệp quân sự là sai lầm, nhưng nước này dường như đã chuẩn bị tinh thần Mỹ sẽ tấn công Syria, các nhà phân tích nhận định.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel ngày 27/8 tuyên bố, quân đội Mỹ sẵn sàng tấn công Syria nếu Tổng thống Barack Obama ra lệnh. Thủ tướng Anh David Cameron nói, thế giới “không thể giương mắt đứng nhìn”, còn Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố nước này “sẵn sàng trừng phạt” bất kỳ ai đứng đằng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria. Ngày 28/8, lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei, cảnh báo rằng, bất kỳ sự hành động quân sự nào của phương Tây nhằm vào Syria cũng báo hiệu một thảm họa đối với cả khu vực Trung Đông.

TRÚC QUỲNH
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG