Mỹ: Rao bán tiêm kích F-16 trên mạng

Tiêm kích F-16 đời đầu
Tiêm kích F-16 đời đầu
TPO - Một công ty ở bang Florida, Mỹ đang rao bán một món hàng độc nhất vô nhị: đó là một tiêm kích F-16 Fighting Falcon, với mức giá được xem là rất hời, 8,5 triệu USD. Từng là một sát thủ đáng sợ trên bầu trời, chiếc máy bay được mang ra bán sau khi súng, rocket, tên lửa, bom và hệ thống radar kiểm soát hỏa lực đã bị tháo bỏ.

Chiếc máy bay này đã từng được đưa lên một trang chuyên bán hàng trên mạng, sau đó thông tin bị gỡ xuống. Theo thông tin mô tả, đây là một chiếc tiêm kích F-16 sản xuất năm 1980 và đã trải qua 6.000 giờ bay. Đi kèm là một bức ảnh chụp chiếc máy bay từ phía trước và nó có vẻ được lưu kho ở một nơi nào đó thuộc Palm Beach, Florida.

Hầu hết các chi tiết về chiếc máy bay bị chặn bởi tường lửa và chỉ có những ai có tài khoản của trang mua bán mới được tiếp cận, nhưng từ những thông tin ít ỏi được cung cấp miễn phí, có thể đi đến vài kết luận về chiếc tiêm kích F-16. Thông tin quan trọng là nó được sản xuất năm 1980. Phiên bản F-16 mới nhất là F-16V Block 70, được trang bị radar mảng pha điện tử quét chủ động, liên kết dữ liệu số, GPS và một hệ thống tự động ngăn máy bay vô tình quệt xuống đất khi bay.

Mỹ: Rao bán tiêm kích F-16 trên mạng ảnh 1 Tiêm kích F-16V, đời mới nhất của dòng F-16

Chiếc máy bay F-16 được rao bán đã có 6.000 giờ bay, theo một đoạn thông tin đưa lên mạng mà nay đã bị xóa. Dòng tiêm kích F-16 bắt đầu bay thử từ năm 1974 và đến năm 1978 thì được chính thức đưa vào biên chế không quân Mỹ. Do vậy, chiếc máy bay được rao bán thuộc thế hệ đầu tiên của dòng F-16 (F-16A)

Những chiếc F-16 đời đầu có dự trữ hành trình 8.000 giờ bay và phải nghỉ hưu khi hết dự trữ, do vậy nếu mua chiếc máy bay nói trên, chủ sở hữu của nó còn 2.000 giờ vi vu trên chiến đấu cơ với tư cách tư nhân, trước khi phải cho nó nằm đất. Và muốn bay tiếp thì phải nâng cấp khung thân, sau từng đó thời gian sử dụng. Những ai quan tâm đến chiếc máy bay cũng cần nhớ rằng tiêm kích chiến đấu là máy bay cần bảo dưỡng lớn, chỉ một giờ bay cũng cần nhiều giờ chuẩn bị, và số nhiên liệu tiêu tốn cho một giờ bay có thể lên đến vài ngàn USD.

Ngoài ra, chiếc máy bay đã bị tháo bỏ hầu như toàn bộ vũ khí và các trang thiết bị phục vụ việc bắn giết: nó đã bị tháo bỏ súng máy 20mm M61 Gatling, và có thể cả cụm radar ở mũi. Tuy nhiên, hầu hết những thứ này nằm bên trong thân máy bay nên có bị tháo bỏ cũng không làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp bên  ngoài thon gọn nổi tiếng của chiếc máy bay.

Câu hỏi đặt ra là việc mua bán này có hợp pháp không? Câu trả lời là có. Đã có nhiều ví dụ về việc tư nhân sở hữu máy bay chiến đấu ở Mỹ. Một trong những ví dụ nổi tiếng là diễn viên Michael Dorn, người nổi tiếng nhất với vai Worf trong phim Star Trek: The Next Generation. Ông Dorn từng có thời điểm sở hữu một máy bay tiêm kích F-86 Sabre. Đây là dòng tiêm kích chủ lực của Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên, đối chọi với  MiG-17 của Liên Xô. Sau  vụ khủng bố 11/9, quân đội Mỹ đình chỉ việc bán trực tiếp cho tư nhân các thiết bị quân sự, đặc biệt là xe tăng và máy bay tiêm kích. Vì vậy, chiếc F-16 nói trên chắc hẳn đến từ một nước thuộc NATO hoặc một quốc gia thân cận với Mỹ.

Và chỉ với 8,5 triệu USD (197 tỷ đồng), bạn có thể sở hữu một tiêm kích chiến đấu bay khắp nước Mỹ. Đó có thể là ý tưởng hấp dẫn đối với những người siêu giàu đang muốn tìm một thứ đồ chơi khác biệt.

MỚI - NÓNG