Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, John Kirby cho biết: "Những tuyên bố về việc Ukraine có thể sử dụng tên lửa ATACMS để tấn công máy bay quân sự của Nga là rất khó xảy ra. 90% máy bay được Nga sử dụng để ném bom đều nằm ngoài phạm vi 300 km tính từ biên giới Ukraine".
Trước đó, Kiev nhiều lần kêu gọi Washington dỡ bỏ các hạn chế, cho phép lực lượng Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS tấn công căn cứ không quân và mục tiêu quân sự Nga trên lãnh thổ nước này, nhưng giới chức Mỹ chưa đưa ra bình luận.
Khi được hỏi liệu Mỹ có cân nhắc thay đổi quan điểm này hay không, ông John Kirby nói: "Cho đến nay, chúng tôi chưa có bất kỳ thay đổi nào".
Hồi cuối tháng 8, Politico dẫn ba nguồn thạo tin cho biết, Ukraine chuẩn bị trình Mỹ danh sách các mục tiêu ở Nga mà quân đội nước này có thể tấn công nếu Mỹ dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa.
Trong nhiều tháng qua, Mỹ cho biết việc dỡ bỏ các hạn chế sẽ không làm thay đổi cục diện chiến trường vì Nga đã di chuyển các mục tiêu quan trọng cách xa biên giới và nằm ngoài tầm bắn. Tuy nhiên, Kiev tuyên bố đã xác định được một số mục tiêu có giá trị cao và họ có thể tiếp cận chúng bằng tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp. Kiev hy vọng danh sách này sẽ thuyết phục chính quyền Tổng thống Joe Biden thay đổi quyết định.
ATACMS do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ phát triển và sản xuất từ những năm 1990. Tên lửa được thiết kế để trang bị trên tổ hợp pháo phản lực HIMARS, có khả năng vô hiệu hóa các sở chỉ huy và phá hủy kho vũ khí, đạn dược của đối phương.
Nhà Trắng xác nhận cung cấp ATACMS lần đầu cho Ukraine vào tháng 10/2023. Phiên bản ATACMS được gửi tới Ukraine là MGM-140A có tầm bắn 165 km. Tên lửa này có khả năng giải phóng 950 quả đạn con, gây sát thương trên một khu vực rộng lớn.