Mỹ lo gián điệp Trung Quốc đội lốt công nghệ

Mỹ lo gián điệp Trung Quốc đội lốt công nghệ
TP - Cuối tuần qua, Ủy ban Tình báo của Hạ viện Mỹ cảnh báo các công ty Mỹ nên tránh làm ăn với Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ 2 thế giới, vì lo ngại thiết bị của hãng Trung Quốc này có thể mở cửa cho gián điệp.

> Ralls Corp là bình phong của gián điệp TQ?

Năm 2003, bà Katrina Leung, chỉ điểm của FBI trong suốt hai thập kỷ, bị phát hiện là điệp viên hai mang cho Trung Quốc. Ảnh: AP
Năm 2003, bà Katrina Leung, chỉ điểm của FBI trong suốt hai thập kỷ, bị phát hiện là điệp viên hai mang cho Trung Quốc. Ảnh: AP.

“Trong trường hợp cân nhắc mua thiết bị từ Huawei, nên chọn một nhà cung cấp khác, nếu bạn quan tâm về sở hữu trí tuệ, quyền riêng tư của người tiêu dùng và an ninh quốc gia của nước Mỹ”, Chủ tịch Ủy ban Mike Rogers nói.

Ông Rogers, cựu đặc vụ Cục Điều tra Liên bang (FBI), phát biểu trên chương trình truyền hình 60 Minutes (60 phút) của đài CBS phát sóng hôm 7-10.

Hôm nay (8-10), một nhóm chuyên gia của Ủy ban Tình báo của Hạ viện Mỹ sẽ công bố kết quả điều tra gần một năm về nguy cơ an ninh đến từ Huawei Technologies và ZTE (Trung Quốc). ZTE là sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ 5 thế giới.

Một thành viên của nhóm chuyên gia tên là Ruppersberger nói trong chương trình 60 Minutes: “Một trong những lý do chính mà chúng tôi thực hiện cuộc điều tra này là giáo dục công dân Mỹ về kinh doanh…, về thế giới viễn thông”.

Theo nội dung chương trình 60 Minutes, Ủy ban Tình báo của Hạ viện Mỹ tin rằng, việc cho phép Huawei xây dựng và vận hành nhiều cơ sở hạ tầng viễn thông của Mỹ sẽ mở đường cho phía Trung Quốc do thám chính phủ Mỹ và tham gia vào hoạt động tình báo công nghiệp.

Phản ứng trước những thông tin trên, Huawei nói rằng hãng được “tôn trọng và tin tưởng trên toàn cầu”, làm ăn ở gần 150 thị trường với hơn 500 khách hàng doanh nghiệp, bao gồm những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn ở mọi châu lục, trừ Nam Cực.

“Độ an toàn, an ninh và tính tổng thể của sản phẩm của chúng tôi đã được chứng minh trên thế giới. Đó là thực tế hôm nay. Đó cũng là thực tế tuần sau, nếu không bị gắn yếu tố chính trị vào”, thư điện tử của William Plummer, người phát ngôn của Huawei ở Washington (Mỹ), viết.

Những nỗ lực của Huawei và ZTE ở Mỹ đang bị ngăn trở vì phía Mỹ lo lắng trước cáo buộc ngày càng tăng về tình báo kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt thông qua hệ thống máy tính.

Từ khi giới thiệu thiết bị mạng của mình ở Mỹ hồi năm ngoái, Huawei đã bán được sản phẩm cho nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông quy mô vừa và nhỏ khắp nước Mỹ.

Huawei cũng giới thiệu điện thoại di động cho nhiều nhà cung cấp của Mỹ trong 4 năm qua.

Cả Huawei và ZTE bác bỏ những thông tin cho rằng, việc họ mở rộng hoạt động ở Mỹ dẫn tới rủi ro an ninh cho Mỹ.

Hai hãng này nói rằng, họ hoạt động độc lập, không phụ thuộc chính quyền Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích của Mỹ, Trung Quốc thường hỏi các nhà khoa học nước này - những người tham gia chương trình trao đổi mang tính học thuật, hoặc tham dự phái đoàn thương mại, chương trình hợp tác khoa học hoặc những sự kiện tương tự.

Hơn nữa, Nhà nước Trung Quốc yêu cầu công dân của mình hợp tác trong những trường hợp cụ thể.

Vì thế, Trung Quốc có thể tận dụng rất nhiều đầu mới được tuyển dụng để thu thập, đánh cắp thông tin tình báo về các công nghệ mới của Mỹ, bao gồm công nghệ quân sự nhạy cảm nhất.

Trung Quốc cũng tiếp cận công nghệ bí mật của nước ngoài thông qua tình báo công nghiệp. Giới chức hải quan và nhập cư Mỹ đã coi hoạt động đánh cắp và tình báo công nghiệp Trung Quốc là nguy cơ hàng đầu đối với an ninh công nghệ Mỹ.

Từ tháng 10-2002 tới tháng 2-2003, năm doanh nhân Trung Quốc bị buộc tội vận chuyển trái phép thiết bị và bí mật thương mại từ bang California về Trung Quốc.

Giới chức Mỹ mới đây ngăn chặn một người đàn ông Trung Quốc mua một máy tính tốc độ cao của Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia, từng được dùng để xử lý các dự án bí mật, trong đó có phát triển vũ khí hạt nhân.

Minh Long
Theo CBS New, AP

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.