"Không, chúng tôi không chứng thực (bản đồ “đường lưỡi bò" trong hộ chiếu), vì như các bạn đã biết những vấn đề trên biển Đông cần được các bên liên quan, các nước ASEAN và Trung Quốc tiếp tục đàm phán, và một hình ảnh trên hộ chiếu không thể thay đổi điều đó”, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói với các phóng viên.
Bà Nuland cũng cho biết hộ chiếu cần tuân theo những chuẩn mực quốc tế cơ bản. “Những tấm bản đồ bị thất lạc không thể được đưa vào hộ chiếu”, bà nói.
“Về khía cạnh kỹ thuật, bản đồ đó không có ý nghĩa trong việc hộ chiếu đó hợp lệ với việc cấp visa Mỹ hoặc cho phép nhập cảnh vào Mỹ”, bà Nuland khẳng định.
“Chúng tôi bắt đầu chú ý vấn đề này từ cuối tuần qua, khi hộ chiếu của công dân Trung Quốc bị một số nước từ chối”.
Bà Nuland nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi cẩn thận mọi bước phát triển của quân đội Trung Quốc.
“Đây cũng là một trong những đề nghị của chúng tôi rằng Trung Quốc nên minh bạch hết sức có thể về vấn đề năng lực và mục đích quân sự. Và chúng tôi thường xuyên khuyến khích Trung Quốc sử dụng năng lực quân sự, kể cả tàu sân bay mới, theo cách có lợi cho việc duy trì hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, bà Nuland nói.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland. Ảnh: News Hub. |
GS John Blaxland, một nhà nghiên cứu về các vấn đề an ninh và quốc phòng của Đại học Quốc gia Úc, cho rằng, việc in bản đồ đường lưỡi bò trong hộ chiếu là một "thủ đoạn ranh ma".
Về việc Trung Quốc không đưa quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trong bản đồ in trên hộ chiếu mới, GS Chính trị học Michael de Golyer ở Đại học Baptist Hong Kong, nhận định: “Họ (Trung Quốc) có ý chọn Việt Nam và Philippines làm đối tượng để gây gổ vì hai nước này yếu hơn và cả hai đều có một quá khứ có nhiều vấn đề với Mỹ.
Trong khi đó, quan hệ Nhật-Mỹ khá vững mạnh và đặt cơ sở trên một hiệp ước phòng thủ chung. Nếu họ có những hành vi mạnh tay với Nhật Bản để khẳng định yêu sách như hiện nay, chắc chắn sẽ có sự leo thang căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc. Và đó là điều mà hiện giờ Trung Quốc muốn né tránh”.
Hộ chiếu mới ban hành của Trung Quốc có in hình bản đồ nước này với đường lưỡi bò bao trọn gần hết vùng Biển Đông, phần lãnh thổ tranh chấp với Ấn Độ là Aksai Chin và Arunachal Pradesh. Ấn Độ đáp trả bằng cách dán tem in hình bản đồ của riêng mình vào hộ chiếu Trung Quốc.
Nhiều nước, trong đó có Việt Nam, Philippines, Ấn Độ, Indonesia… đã chính thức phản đối việc in bản đồ có đường lưỡi bò trong hộ chiếu Trung Quốc.
Ngày 26-11, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia nói: "Việc Trung Quốc cố tìm kiếm sự công nhận gián tiếp các vùng lãnh thổ tranh chấp với các bên liên quan thông qua chính sách hộ chiếu là không bình thường và sẽ không đạt được mục đích, thậm chí còn gây tranh chấp".
Cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines gửi công hàm đến Bắc Kinh và gọi bản đồ là một tuyên bố “vô lý về không gian hàng hải và vi phạm luật pháp quốc tế”.
Hộ chiếu điện tử mới của Trung Quốc bắt đầu được cấp phát hồi trung tuần tháng 5. Theo ước tính dựa trên số đơn xin hộ chiếu mỗi tháng, cho đến nay nước này đã cấp khoảng 6 triệu hộ chiếu đường lưỡi bò.
Gia Tùng
Theo Washington Post, PTI, CBS News, Jakarta Post