Bà Lưu Thị Xuyến với bàn tay có những móng sơn tím rất đẹp đang ngồi kể chuyện |
Một năm sau, PV Tiền phong trở lại Mỹ Hòa, không khí trầm lắng, yên tĩnh, người dân đã có nhiều niềm vui tươi phấn chấn. Tuy nhiên, đâu đó trong những câu chuyện lại phảng phất nỗi buồn mới.
Cầu Cần Thơ vắt ngang phía trên cao con đường xã. Hàng rào lưới sắt ôm trọn công trường ngổn ngang sắt thép, tách biệt hẳn với con đường vào xã. Xung quanh, không còn cảnh nhộn nhịp hàng quán như trước. Con đường cũng vắng lặng, thưa thớt người.
Anh xe ôm Nguyễn Văn Tiến chở khách “lướt” trên con đường lát bê tông mới cứng của ấp Mỹ Hưng 1, thỉnh thoảng lại bị cắt ngang bởi bùn đất nhão nhẹt.
Anh Tiến khoe một năm qua, nhà thầu TKN của Nhật Bản đã giúp bà con ấp làm được 500 mét đường bê tông để đi lại đỡ vất vả. Xã cũng đã làm được 5.000 mét đường bê tông tại hai ấp Mỹ Hưng 1, Mỹ Hưng 2.
Đang làm thì chính quyền và các hộ dân gặp chuyện cãi nhau. Những hộ dân có thân nhân tử nạn hoặc bị thương trong tai nạn không đồng ý với chủ trương xây đường vì nó được lấy kinh phí 12 tỷ đồng từ quỹ ủng hộ các nạn nhân.
Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Nguyễn Hữu Lực cho biết chủ trương tỉnh đưa xuống, Bộ Xây dựng cũng thống nhất là dành 12 tỷ đó để xây dựng đường bê tông rộng 1,6 mét cho các ấp và làm đường lớn vào xã nhưng bị các hộ phản đối, làm việc tới lui hoài mà không thống nhất được. Dân thì phấn khởi còn các hộ có người bị nạn thì không. Tuy nhiên, việc xây dựng vẫn đang được thực hiện khẩn trương.
Anh Tiến thật thà: “Có con đường bê tông ngon trớn này dân xã mừng lắm, hồi trước toàn đường đất lầy lội không đi được. Chỉ mong cái công trình ý nghĩa này không bị đình lại vì lý do này khác”.
Dân xã nghèo, nhiều người cả đời dành dụm cũng không có lấy một triệu đồng, không có tiền để góp tiền xây dựng đường. Các hộ có thân nhân bị nạn trong vụ sập cầu đã trở thành những hộ có thu nhập cao trong xã, riêng tiền lãi từ các sổ tiết kiệm do ủng hộ một tháng cũng đã có mấy triệu đồng.
Hầu hết bà con dùng xây dựng nhà cửa. Nhưng cũng không ít người đem tiền cứu trợ mua sắm phương tiện, điện thoại di động đắt tiền. Có hộ có tiền đâm ra lười biếng, không làm ăn gì nữa cả.
Ông Nguyễn Hữu Lực cho con số thống kê: Cả xã có 74 hộ có người tử nạn hoặc bị thương đều có sổ tiết kiệm nhờ tiền cứu trợ sau tai nạn. Hộ ít thì 215 triệu, hộ nhiều thì hơn 600 triệu đồng. Tất cả đều sống nhờ tiền lãi hàng tháng. Một nửa số hộ không có ruộng đất. “Thu nhập” của các hộ này từ tiền lãi cao gấp hàng chục lần bình quân dân xã.
“Những ngày đầu, có khoảng 1/4 số hộ nhận tiền cứu trợ tiêu xài phung phí. Chính quyền, đoàn thể xã huyện phải thường xuyên đi khuyên ngăn, vận động hàng tháng trời. Nay thì đã đỡ hơn nhiều” - ông Lực nói.
Ngoài những khoản cứu trợ được lập thành sổ tiết kiệm, mỗi hộ dân còn được nhận cứu trợ trực tiếp từ vài chục đến vài trăm triệu, nay đều đã hết. Nhiều hộ muốn đòi giữ sổ tiết kiệm để rút tiền, xã phải thành lập một ban quản lý, xem xét lý do rút tiền của dân, nếu chính đáng mới giải quyết.
Nỗi lo lớn nhất của xã là các hộ không có đất sản xuất và nghề để sinh sống ổn định, hoàn toàn dựa vào tiền cứu trợ. “Xã không có nghề phụ, chỉ sống nhờ nông nghiệp thôi.
Quá ít hộ mua đất sản xuất, cũng không có nhu cầu học nghề, nếu có, xã cũng không đáp ứng được”- ông Lực thật thà. Hiện tại, chính quyền chỉ có thể giúp các hộ bằng cách quản lý các sổ tiết kiệm và hướng họ sử dụng tiết kiệm.
Nơi xảy ra thảm họa, trụ 14 và 15 đã được cắt tận gốc, nay đang khoan cọc nhồi đổ bê tông móng trụ mới - Ảnh: Sáu Nghệ |
PV Tiền phong đến nhà ông Lưu Văn Khâm, người bị thương và cũng là cha của 2 người con chết trong vụ tai nạn. Hơn một năm trước, nhà ông ngày nào cũng đông người thăm hỏi, chia sẻ tinh thần, vật chất.
Có một ngày, nhà ông chật cứng người từ trong ra ngoài để đón Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về thăm hỏi, động viên. Căn nhà lá hồi đó không còn nữa. Nay nó đã được thay bằng một ngôi nhà xây rộng gần 200 m2 có tường rào bao bọc. Phòng khách bày bộ salon to, một góc tường là di ảnh của hai người xấu số.
Ông Khâm đặt chiếc điện thoại Nokia N72 mới toanh xuống bàn tiếp chuyện khách lạ. Ông cho biết căn nhà được xây dựng khoảng 180 triệu đồng từ nguồn tiền cứu trợ và quỹ mái ấm công đoàn.
Nhà ông được cứu trợ trực tiếp hơn 400 triệu đồng, đã dùng hết vào việc trả nợ, xây nhà. Nay còn khoảng 600 triệu sổ tiết kiệm tại ngân hàng, ông bà sống nhờ vào tiền lãi hơn 3,5 triệu đồng tháng. Ông Khâm bị thương nặng sau vụ sập cầu, hiện mất khả năng lao động, vợ ông trước đây không nghề gì nay ở vậy.
Bên cạnh nhà vợ chồng ông Khâm là hộ bà Lưu Thị Xuyến, có chồng tử nạn. Bà nhận được hơn 400 triệu đồng ủng hộ trực tiếp từ các cá nhân, tổ chức. Bà dành ra 150 triệu để mua đất ruộng cho mướn lấy lúa ăn hàng tháng, còn lại đem chia ra hỗ trợ con cháu xây nhà sửa cửa.
Bà có 7 người con thì 3 người được nhận sổ tiết kiệm từ tiền cứu trợ. Hiện bà ở với con út (học lớp 10) trong căn nhà lá tạm chừng 40m2 trước đây hai ông bà vẫn ở, số tiền lãi từ sổ tiết kiệm được 1,6 triệu đồng/tháng cũng đủ cho hai mẹ con.
“Già rồi, chỉ còn chờ ngày theo ổng thôi. Chỉ thương con cháu đông quá mà không giúp gì được. Ổng ra đi, để lại cho vợ con được chừng ấy phúc phần âu cũng là thỏa nguyện”- bà nói - “Chỉ mong thằng út gắng học thành tài, để không khổ sở hay bất hạnh như cha nó”.
Ở cách nhà bà Xuyến vài trăm mét, bà Nguyễn Thị Mười ôm đứa cháu nội ngồi trước hiên căn nhà mái ấm công đoàn. Đứa cháu đang học mẫu giáo là con của anh Nguyễn Văn Hoàng, mất trong vụ tai nạn.
“Cha nó mất rồi, mẹ nó cũng không đòi hỏi gì cả, chỉ xin gửi con để đi làm ăn, một năm rồi mà không thấy về”, bà Mười kể anh Hoàng mất đi, cả nhà bà được cấp 5 cuốn sổ tiết kiệm gần 300 triệu đồng.
Bà còn 3 người con trưởng thành nhưng không có nghề nghiệp, vẫn ở chung với bà trong mái ấm công đoàn và hàng ngày đi làm mướn. Trước đây bà bán vé số, nay ngoài 60 rồi, già yếu không đi nổi nữa. Chồng bà bị mù, hàng ngày vẫn đi ăn xin theo thói quen, can ngăn mãi không được.
Hàng ngày, chỉ mình bà trong căn nhà vắng. Trước mặt nhà còn giữ lại hai túp lều tranh cả gia đình sống trước ngày tai nạn. “Để như vậy cho thằng Hoàng có chỗ về. Nó không thích nhà mới chú ạ”-bà nói.
Từ sau tai nạn, có mấy hộ mất lao động chính, rồi cũng đâm ra lười biếng, chẳng còn chí thú làm ăn nữa. Người trẻ thì cà phê cà pháo, nhậu nhẹt liên miên. Người già thì ngồi trông ra vườn cho hết ngày.
Hoàng hôn. Mặt trời đỏ ối ở sau lưng, lặn dần xuống sông Hậu. Mỹ Hòa có cái gì đó buồn, u tịch như thể những nỗi đau thương mất mát đã thấm vào trong đất, trong người chưa rứt ra được.
Ông Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Nguyễn Hữu Lực nói: “Gia đình của 74 nạn nhân ở xã này đều đã có nhà cửa khang trang, an cư rồi nhưng lạc nghiệp hãy còn xa lắm, xa cả trong suy nghĩ của nhiều người”.