Mỹ giải mật gần 3.000 tài liệu: Tình tiết mới về vụ ám sát JFK, mưu sát Fidel Castro

Hai ngày sau khi ám sát Tổng thống John Frank Kennedy, Lee Harvey Oswald bị bắn chết. Ảnh: National Archives.
Hai ngày sau khi ám sát Tổng thống John Frank Kennedy, Lee Harvey Oswald bị bắn chết. Ảnh: National Archives.
TP - Ngày 26/10, chính quyền Mỹ công bố gần 3.000 hồ sơ mật, trong đó có những tài liệu cho thấy FBI từng biết trước về lời đe dọa giết Lee Harvey Oswald - kẻ bắn chết Tổng thống John Frank Kennedy (JFK), CIA từng thuê trùm mafia ám sát lãnh tụ Cuba Fidel Castro, có thể liên quan vụ ám sát Ngô Đình Diệm…

Trong số 2.891 hồ sơ do Cơ quan Lưu trữ Quốc gia công bố dịp này có nhiều tài liệu liên quan vụ ám sát Tổng thống JFK ở Dallas, Texas ngày 22/11/1963.

FBI được báo về lời dọa giết Lee Harvey Oswald

Một tài liệu bao gồm bản ghi cuộc trò chuyện ngày 24 /11/1963 với Giám đốc FBI Edgar Hoover cho thấy, văn phòng FBI tại Dallas đã nhận được một cú điện thoại từ một người đàn ông với giọng hết sức bình tĩnh nói rằng ông ta là người của một ủy ban được giao nhiệm vụ giết Lee Harvey Oswald. Khi nhận được lời đe dọa này, ông Hoover thông báo cho cảnh sát Dallas và yêu cầu họ bảo vệ tốt cho Oswald. Thế nhưng, cảnh sát Dallas đã không làm gì cả. Oswald đã bị Jack Ruby, chủ một câu lạc bộ, bắn chết khi đang trên đường chuyển nhà giam tại Dallas, hai ngày sau khi ám sát JFK. Khi bị bắt, Ruby phủ nhận việc ông ta là người đã gọi điện báo về vụ giết người với văn phòng FBI ở Dallas.

Một số tài liệu cho thấy, các quan chức Liên Xô cho rằng, âm mưu ám sát Tổng thống JFK được tổ chức hoàn hảo. Họ lo sợ rằng còn âm mưu khác đằng sau cái chết của JFK. Đó có thể là âm mưu đảo chính do phe cánh tả hoặc người kế nhiệm JFK là Phó tổng thống Lyndon Johnson thực hiện. Liên Xô lo sợ vụ ám sát này sẽ được sử dụng như là một cái cớ để “chấm dứt đàm phán với Liên bang Xô viết, tấn công Cuba, và sau đó lan rộng cuộc chiến”. Ủy ban Warren, cơ quan điều tra vụ ám sát Kennedy, khẳng định, Oswald, một cựu binh hải quân, đã thực hiện vụ ám sát này và hành động một mình.

Các tài liệu mới được giải mật bao gồm tất các bản ghi nhớ của giám đốc FBI, các cuộc phỏng vấn với người dân ở Dallas, những người đã cung cấp đầu mối về một trong những vụ ám sát nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ. 

Một bản ghi nhớ của CIA sau ngày Kennedy bị ám sát cho thấy, CIA từng ngăn chặn cuộc điện thoại của Oswald tới Lãnh sự quán Liên Xô tại thành phố Mexico. Oswald đã nói chuyện với Valeriy Vladimirovich Kostikov, một điệp viên KGB, bằng tiếng Nga. Tác giả của bản ghi nhớ cho rằng, Oswald từng tới lãnh sự quán để xin được trợ giúp về việc cấp hộ chiếu hoặc thị thực. Có tài liệu cho thấy, 7 tuần trước khi thực hiện vụ ám sát, Oswald tới thành phố Mexico để gặp điệp viên Cuba và Liên Xô. Oswald đào tẩu sang Liên Xô vào năm 1959. Năm 1962, nhân vật này quay trở lại Mỹ.

CIA từng thuê trùm mafia ám sát Fidel Castro

Một tài liệu năm 1975 của Ủy ban Rockefeller mô tả vai trò của CIA trong các vụ ám sát nước ngoài, trong đó có kế hoạch ám sát lãnh tụ Cuba Fidel Castro được đề ra trong những ngày đầu của chính quyền Kennedy.

Theo tài liệu, Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy, em trai của Tổng thống JFK, đã biết việc CIA thuê một người trung gian tiếp cận Sam Giancana, một trùm mafia người Mỹ gốc Ý, và trả cho hắn 150.000 USD để ám sát Fidel. Đổi lại, CIA giúp Giancana lắp thiết bị nghe lén tại phòng của vợ bé của hắn ở Las Vegas vì nghi cô này ngoại tình. Sau đó, Robert  Kennedy tuyên bố, CIA không nên sử dụng mafia một lần nữa nếu không được Bộ Tư pháp kiểm tra trước vì rất khó để truy tố những người này trong tương lai.

Về vụ ám sát Ngô Đình Diệm

Một tài liệu tuyệt mật từ năm 1975 của Ủy ban Rockefeller ghi lại lời khai của cựu Giám đốc CIA Richard Helms. Trong bản ghi này, Helms nói, ông nghĩ cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon tin rằng CIA phải chịu trách nhiệm về cái chết của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm (bị ám sát trong một cuộc đảo chính). Ông Helms nói rằng, không có bằng chứng nào về sự can dự của CIA. Tuy nhiên, ông cho rằng, Tổng thống JFK bị ám sát là công bằng vì ông này đã cho ám sát Ngô Đình Diệm.

Vì sao một số tài liệu chưa được công bố?

Đạo luật năm 1992 của Quốc hội Mỹ quy định về việc các tài liệu mật sau 40-50 năm có thể được công bố đầy đủ trên trang web của Cơ quan Lưu trữ quốc gia. Tuy nhiên, CIA, FBI và một số cơ quan khác của Mỹ đã kiến nghị Tổng thống Donald Trump hoãn công bố một số tài liệu mật vì lý do an ninh quốc gia. Ông Trump đã chấp nhận lời đề nghị này và cho các cơ quan này 6 tháng để đưa ra câu trả lời đầy đủ vì sao họ phải giữ bí mật. Nếu lời giải thích không thuyết phục, những tài liệu này sẽ được giải mật. Như vậy, khoảng 300 tài liệu mật vẫn chưa được công bố tới ngày 26/4/2018.

Theo luật liên bang Mỹ, tổng thống là người duy nhất có quyền ngăn chặn việc công bố các tài liệu mật. Một số chuyên gia cho rằng, việc CIA và FBI tìm cách ngăn chặn công bố những tài liệu này để che giấu sự thất bại của họ.

Theo Theo CNN, The Guardian
MỚI - NÓNG