Tối thứ Năm (26/10, giờ địa phương), Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ đã công bố 2.891 tài liệu giải mật về vụ ám sát John F. Kennedy sau hơn nửa thế kỷ kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ bị bắn chết ở Dallas, Texas, vào năm 1963.
Đây là nỗ lực của chính quyền đương nhiệm nhằm tuân thủ thời hạn 25 năm, được ấn định vào ngày 26/10/2017, của Quốc hội Mỹ năm 1992 để công khai tất cả hồ sơ liên quan tới cuộc điều tra vụ ám sát ông Kennedy. Hôm 21/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng xác nhận cho phép giải mật các tài liệu trên.
Tuy nhiên, đây không phải là tất cả toàn bộ hồ sơ mà Mỹ có về vụ án nổi tiếng này, khoảng 300 tài liệu vẫn còn nằm trong bí mật.
Theo báo chí liên bang, ông Trump đã quyết định hoãn công bố số tài liệu trên theo yêu cầu của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Cục Điều tra Liên bang (FBI). Một số quan chức chính phủ giải thích, yêu cầu trên vì lý do an ninh quốc gia.
Theo pháp luật liên bang Mỹ, Tổng thống là người duy nhất có quyền ngăn chặn việc công bố các tài liệu trên. Trong một bản ghi nhớ, ông Trump cho các cơ quan trên thời hạn 180 ngày để đưa ra lý do giữ bí mật hồ sơ.
Tuy nhiên, CNN nhận định, quyết định giữ lại một số tài liệu của ông Trump sẽ làm tăng các giả thuyết về âm mưu trong nhiều năm. Một số cho rằng, sát thủ bắn súng không phải hung thủ gây ra cái chết của cựu tổng thống. Trong khi, số khác cho rằng, chính phủ muốn che đậy sự thật.
Hồi tháng 7, các tài liệu gốc về vụ ám sát đã được công bố, bao gồm 400 báo cáo đầy đủ và 3.400 đã được biên tập một phần.
Nhưng các nhà nghiên cứu cảm thấy khó khăn khi phân tích tài liệu, vì có nhiều ngôn ngữ đã bị mã hóa và bằng tiếng nước ngoài. Chưa kể một số tài liệu chỉ là bản sao, khiến cho việc xác định thông tin mới càng “căng não”.