Bộ Quốc phòng Mỹ vừa xác định thêm 4 công ty thuộc sở hữu hoặc do quân đội Trung Quốc kiểm soát. Ngoài CNOOC và SMIC còn có Công ty công nghệ xây dựng Trung Quốc và Công ty tư vấn xây dựng quốc tế Trung Quốc.
Bốn công ty bị bổ sung lần này nâng tổng số công ty Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách đen vì liên quan đến quân đội Trung Quốc lên 35. Danh sách này không lập tức dẫn đến biện pháp trừng phạt nào, nhưng một sắc lệnh hành pháp do Tổng thống Mỹ Donald Trump ký gần đây sẽ không cho phép các nhà đầu tư Mỹ mua chứng khoán của những công ty này.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, SMIC và CNOOC chưa đưa ra phát biểu nào về hành động này của Mỹ.
Giá cổ phiếu của một công ty con thuộc CNOOC có niêm yết trên sàn chứng khoán đã giảm 14% sau khi Reuters đưa tin về bước đi này của chính quyền Trump từ cuối tuần qua.
SMIC, hãng phụ thuộc nhiều vào linh kiện từ các nhà cung cấp Mỹ, đã nằm trong tầm ngắm của Washington từ lâu. Tháng 9 năm nay, Bộ Thương mại Mỹ thông báo với một số công ty rằng họ cần xin giấy phép trước khi cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho SMIC, sau khi bộ này xác định có một “nguy cơ không thể chấp nhận được” rằng các linh kiện và thiết bị của Mỹ có thể dùng vào mục đích quân sự ở Trung Quốc.
Danh sách đen mở rộng được coi là một nỗ lực khác của chính quyền sắp mãn nhiệm Mỹ nhằm để lại một di sản cứng rắn với Trung Quốc và khiến tổng thống kế nhiệm Joe Biden buộc phải tiếp tục cứng rắn với Bắc Kinh trước sự đồng thuận của cả hai chính đảng ở Mỹ.
CNOOC là chủ sở hữu giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014. Năm 2012, CNOOC ngang nhiên công bố mời thầu quốc tế thăm dò, khai thác tại 9 lô dầu khí trên biển Đông nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam. Đây là khu vực hoàn toàn không có tranh chấp.
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 3/12, trả lời câu hỏi về bản tin của Reuters nói rằng CNOOC có thể sắp bị Mỹ đưa vào danh sách đen, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng Trung Quốc và Mỹ đều là đối tác quan trọng của Việt Nam, nên Việt Nam luôn theo dõi các diễn biến trong quan hệ giữa hai nước. Đồng thời, “Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông được xác định dựa trên Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.