Mỹ đổi chiến lược sang tích trữ vũ khí giá rẻ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Mỹ đang tích trữ kho vũ khí chống hạm dồi dào và dễ chế tạo, trong nỗ lực đối phó với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tăng cường lực lượng tại đó.
Mỹ đổi chiến lược sang tích trữ vũ khí giá rẻ ảnh 1

Một tên lửa đạn đạo tầm trung được phóng ở khu vực thử nghiệm trên vùng biển ngoài khơi Hawaii, trước khi bị chặn bởi tên lửa phóng từ tàu khu trục Mỹ USS John Paul Jones, ngày 29/8/2017. (Ảnh: US Navy)

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khiến Mỹ thay đổi tư duy, chuyển sang coi trọng phát triển số lượng vũ khí lớn, với giá cả phải chăng, Reuters dẫn lời một giám đốc điều hành trong ngành công nghiệp tên lửa cho biết.

Mỹ gần đây tăng cường thử nghiệm vũ khí QUICKSINK, một loại bom gắn thiết bị dẫn đường GPS giá rẻ và đầu dò có thể theo dõi các vật thể chuyển động.

Tháng trước, Không quân Mỹ sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 trong cuộc thử nghiệm tại Vịnh Mexico để tấn công tàu mục tiêu bằng QUICKSINK.

Được chế tạo bởi Boeing và sử dụng thiết bị của BAE Systems, QUICKSINK vẫn đang trong quá trình phát triển.

Vũ khí này có thể sử dụng với bộ điều khiển quỹ đạo gắn ở phần đuôi, có thể được thả từ máy bay chiến đấu của Mỹ hoặc đồng minh và biến những quả bom "đần" nặng 900kg trở thành vũ khí dẫn đường nhờ thiết bị rẻ tiền.

Reuters dẫn lời một giám đốc điều hành trong ngành cho biết, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ muốn có hàng nghìn vũ khí QUICKSINK, nhưng từ chối tiết lộ con số chính xác vì đây là thông tin mật.

Theo một kịch bản, quân đội Mỹ sẽ sử dụng Tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM) hoặc tên lửa SM-6 để tấn công tàu chiến và radar của đối phương, sau đó bắn phá tàu bằng các loại vũ khí giá rẻ hơn như QUICKSINK.

Mỹ đã tích lũy nhiều loại vũ khí chống hạm ở châu Á. Tháng 4 năm nay, quân đội Mỹ triển khai các dàn tên lửa di động Typho mới đến Philippines để tập trận. Đây là hệ thống vũ khí giá rẻ, được phát triển từ các bộ phận hiện có và có thể phóng tên lửa SM-6 và Tomahawk vào các mục tiêu trên biển.

Những hệ thống vũ khí như vậy tương đối dễ sản xuất, tận dụng thiết kế đã có từ cả thập kỷ trước, nhưng có thể giúp Mỹ và các đồng minh nhanh chóng bắt kịp trong cuộc chạy đua tên lửa ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Trung Quốc đang dẫn trước rất xa.

Dù quân đội Mỹ từ chối tiết lộ số lượng tên lửa sẽ được triển khai ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng các tài liệu về mua sắm quân sự của Chính phủ Mỹ cho thấy nước này dự kiến sẽ mua hơn 800 tên lửa SM-6 trong 5 năm tới.

Các tài liệu cho thấy Mỹ đã sở hữu hàng nghìn tên lửa Tomahawk và hàng trăm nghìn tên lửa JDAM trong kho.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG