Mỹ đã chuẩn bị cho ‘câu trả lời’ vũ khí siêu vượt âm?

0:00 / 0:00
0:00
Mới đây, Bộ Quốc phòng Mỹ đã bất ngờ công bố hình ảnh và thông tin về vụ thử nghiệm đạn tên lửa siêu vượt âm AGM-183A phóng từ máy bay ném bom chiến lược B-52H.

Vụ thử được công nhận là thành công khi nguyên mẫu tên lửa được phóng đi mang đầy đủ tính năng chiến đấu. Đây có thể coi là “câu trả lời” cho những đánh giá về sự tụt hậu của Mỹ trong lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm tương lai so với các quốc gia đối thủ.

Tuy nhiên, dù giới chức quân sự Mỹ coi đây là bước tiến công nghệ quan trọng trong lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm, nhưng thực tế, Lầu Năm Góc còn con đường dài phía trước trước khi ứng dụng công nghệ này vào vũ khí chiến đấu.

Những bước tiến nhanh chóng

"Máy bay ném bom B-52H phóng thành công quả đạn AGM-183A hoàn chỉnh ở ngoài khơi bang California. Đây là lần đầu nguyên mẫu đầy đủ tính năng của tên lửa ở trạng thái chiến đấu hoàn chỉnh, trong khi đó các sự kiện trước đó chỉ tập trung vào kiểm tra các tính năng đơn lẻ của vũ khí", Không quân Mỹ thông tin.

Mỹ đã chuẩn bị cho ‘câu trả lời’ vũ khí siêu vượt âm? ảnh 1
Nguyên mẫu tên lửa AGM-183 trang bị trên máy bay ném bom B-52H. Ảnh: Getty

AGM-183 hay còn gọi là Vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW) và là một trong những chương trình tên lửa siêu vượt âm tương lai đang được không quân Mỹ tiến hành, bên cạnh các dự án vũ khí siêu vượt âm của các quân chủng khác, nhằm thu hẹp khoảng cách trong lĩnh vực này với các đối thủ tiềm tàng.

Theo thiết kế, tên lửa AGM-183 được thả rơi tự do từ máy bay như bom thông thường, sau đó kích hoạt động cơ tên lửa để giúp đầu đạn đạt tốc độ và độ cao phù hợp. Vỏ bảo vệ sau đó sẽ bung ra và đầu đạn lướt tới mục tiêu với tốc độ trên 6.000 km/giờ. Mỗi máy bay B-52 có thể mang tối đa 4 quả tên lửa AGM-183.

AGM-183 do Tập đoàn Lockheed Martin chế tạo và được sử dụng chuyên diệt "các mục tiêu có giá trị chiến thuật cao". AGM-183 được đánh giá cho phép lực lượng Mỹ nhanh chóng tấn công các mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt trên mặt đất.

Dự án tên lửa AGM-183A từng nhiều lần gặp sự cố trong quá trình thử nghiệm, cho tới tận vụ thử thành công vừa qua.

Mỹ đã chuẩn bị cho ‘câu trả lời’ vũ khí siêu vượt âm? ảnh 2
Mô hình của tên lửa AGM-183.

Mốc thời gian 2025

Đánh giá về tiềm năng phát triển vũ khí siêu vượt âm tương lai của Mỹ, chuyên gia quân sự Sergey Denisentsev thuộc Trung tâm phân tích Chiến lược và Công nghệ Liên bang Nga nhận định, thử nghiệm vừa tiến hành không hẳn là của một tổ hợp vũ khí hoàn chỉnh, mà chỉ đơn thuần là một thành phần cấu thành. Mỹ sẽ cần nhiều thời gian nữa để biến nguyên mẫu thành vũ khí hoàn chỉnh.

“Người Mỹ đang đẩy nhanh tiến độ phát triển các loại vũ khí siêu vượt âm mới. Tuy nhiên, những rào cản công nghệ đang níu chân họ. Lầu Năm Góc cần phải thực hiện rất nhiều thử nghiệm nữa trước khi sở hữu trong tay vũ khí siêu vượt âm hoàn chỉnh”, ông Sergey Denisentsev cho biết. Với tiến độ thử nghiệm hiện tại, không quân Mỹ có thể sở hữu vũ khí siêu vượt âm hoàn chính vào năm 2025.

Theo lời ông Sergey Denisentsev, kể cả đưa vào trang bị, nhưng Mỹ khó có thể sở hữu số lượng lớn tên lửa siêu vượt âm mới khi dây chuyền công nghệ cần có thời gian và các ngành công nghiệp phụ trợ thay đổi phù hợp. Nga đã từng sản xuất vũ khí siêu vượt âm mới và quá trình này thực tế là không dễ dàng. Với tiềm năng hiện có, quá trình này tại Mỹ có thể diễn ra nhanh hơn, nhưng cũng không thể đốt cháy giai đoạn. Chắc chắn, quá trình này sẽ mất nhiều thời gian và tiền bạc của Lầu Năm Góc.

Hiện tại, Quân đội Mỹ đang theo đuổi một số chương trình phát triển vũ khí siêu vượt âm tương lai, trong đó ARRW đang có tiềm năng nhất khi cơ bản công nghệ lõi đã được hoàn thiện. Ngoài ra, Mỹ còn đang phát triển thiết bị lượn siêu thanh C-HGB, có nhiều nét tương đồng với thiết bị lượn Avaguard của Nga, nhưng chưa có nhiều đột phá từ năm 2020.

Mỹ đã chuẩn bị cho ‘câu trả lời’ vũ khí siêu vượt âm? ảnh 3

Dù đã có những bước tiến nhất định, nhưng Mỹ sẽ cần thêm nhiều thời gian và tiền bạc để sở hữu vũ khí siêu vượt âm hoàn chỉnh.

Khi đánh giá về sự ưu việt của vũ khí siêu vượt âm, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhấn mạnh, Quân đội Nga được trang bị vũ khí siêu vượt âm mới, thì các quốc gia khác, trong đó có Mỹ mới trong quá trình phát triển dòng vũ khí tương tự. Vũ khí siêu vượt âm mới sẽ giúp Nga duy trì lợi thế công nghệ trong vòng vài thập niên tới.

Cùng với đó, trước khi sở hữu vũ khí siêu vượt âm, Mỹ sẽ phải tính tới phương án đối phó với dòng vũ khí này từ các siêu cường khác trong đó có Nga. Chuyên gia quân sự Nga Sergey Ryzhkov đánh giá, Mỹ sẽ phải tiêu tốn hàng trăm tỷ USD để nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa có khả năng đối phó với các loại vũ khí siêu vượt âm tương lai vốn không sử dụng các công nghệ truyền thống.

Theo Quân đội Nhân dân
MỚI - NÓNG