Mỹ củng cố hiện diện ở Biển Đông

Tàu USS Gabrielle Giffords Ảnh: thedefensepost.com
Tàu USS Gabrielle Giffords Ảnh: thedefensepost.com
TP - Hải quân Mỹ đang củng cố sự hiện diện của họ ở Biển Đông bằng việc triển khai hai tàu lớp Independence chuyên tác chiến ven bờ.

Tàu USS Gabrielle Giffords đã rời căn cứ hải quân Changi ở Singapore vào ngày 15/11, trong khi tàu USS Montgomery tiến hành các hoạt động chung với hai tàu chiến Úc từ ngày 6-12/11, SCMP dẫn các cổng thông tin theo dõi tàu bè cho hay.

Cả hai tàu này đều hoạt động ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đang có các tuyên bố chủ quyền quá đáng.

Mỹ đang thách thức các nỗ lực của Bắc Kinh trong việc mở rộng hiện diện quân sự trong khu vực qua việc xây dựng các tiền đồn, có sân bay, các điểm đặt tên lửa và bến cảng phục vụ tàu chiến trên một số đảo nhân tạo xây dựng phi pháp. Cụ thể: Washington thường xuyên phái tàu chiến đi vào vùng nước Trung Quốc tuyên bố chủ quyền để “thực thi tự do hàng hải”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm thứ Ba nói Mỹ đang gia tăng thực hiện các chuyến tuần tra trên Biển Đông nhằm gửi thông điệp tới Trung Quốc.

Mỹ “phản đối mọi nỗ lực của bất cứ quốc gia nào trong việc ép buộc hay đe dọa để giành lấy lợi ích quốc tế trong khi các nước khác phải chịu thiệt”, ông Esper nói trong chuyến thăm Philippines, một bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Ông cũng thúc giục các quốc gia ở Biển Đông tuyên bố khẳng định chủ quyền để “đưa Trung Quốc về con đường đúng đắn”. “Thông điệp rõ ràng mà chúng tôi đang muốn gửi đi là không phải chúng tôi chống Trung Quốc, mà chúng tôi tôn trọng luật lệ quốc tế và chúng tôi cho rằng Trung Quốc cũng cần tôn trọng các luật lệ đó”, ông Esper nói.

Hầu hết các tàu chiến sử dụng trong các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ trước đó là tàu tuần dương hoặc khu trục hạm tên lửa.

Nhưng tàu tác chiến ven bờ (LCS) có các lợi thế riêng khi hoạt động ở khu vực, theo một báo cáo của Sáng kiến điều tra tình huống chiến lược Biển Đông, một tổ chức nghiên cứu thuộc Viện Hải dương học (Đại học Bắc Kinh).

Tàu LCS lớp Independence có mớn nước thấp, có thể đi vào các vùng nước nông ở Biển Đông, ngoài ra tốc độ rất cao của nó (92km/h) cũng là một lợi thế rất lớn.

Mỹ thông qua đạo luật về Hong Kong

Ngày 19/11 (giờ Mỹ), Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua đạo luật về quyền con người của Hong Kong và dọa sẽ rút lại quy chế đối xử đặc biệt về kinh tế. Đạo luật yêu cầu cấm bán lựu đạn hơi cay, đạn cao su và các trang thiết bị khác mà lực lượng an ninh Hong Kong sử dụng để đối phó với người biểu tình trong gần 6 tháng qua. 

Đạo luật vừa được Thượng viện Mỹ thông qua yêu cầu tổng thống phải định kỳ hằng năm đánh giá lại quy chế thương mại ưu đãi mà Washington trao cho Hong Kong. Đạo luật cũng quy định các biện pháp trừng phạt những quan chức Trung Quốc đại lục và Hong Kong tham gia hoạt động mà phía Mỹ cho là“vi phạm quyền con người”.

Động thái của phía Mỹ đã khiến Trung Quốc tức giận. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc đã triệu tập tham tán công sứ Mỹ William Klein đến để “phản đối mạnh mẽ”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một tuyên bố. 

“Chúng tôi thúc giục mạnh mẽ phía Mỹ ngay lập tức có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn dự luật này trở thành luật và dừng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Nếu không, phía Trung Quốc sẽ có các biện pháp mạnh mẽ để kiên quyết chống trả, và phía Mỹ sẽ phải lãnh tất cả hậu quả”, tuyên bố nói, theo tường thuật của Reuters.

Một phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Bắc Kinh cho biết, trong cuộc gặp, ông Klein nói phía Mỹ “đang theo dõi tình hình Hong Kong bằng sự quan tâm sâu sắc”. 

“Mỹ phản đối mọi nỗ lực của bất cứ quốc gia nào trong việc ép buộc hay đe dọa để giành lấy lợi ích quốc tế trong khi các nước khác phải chịu thiệt”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ 
Mark Esper

MỚI - NÓNG