Báo cáo chiến lược được Lầu Năm góc công bố ngày 17/6, một ngày sau khi Trung Quốc hoãn phóng vệ tinh Bắc Đẩu-3 vì “các vấn đề kỹ thuật”. Đây là vệ tinh thứ 30 và cũng là cuối cùng trong hệ thống định vị Bắc Đẩu thế hệ 3 để giúp Trung Quốc phát triển mạng lưới định vị toàn cầu nhằm cạnh tranh với hệ thống GPS mà Không quân Mỹ đang điều hành.
Trong báo cáo mới, Lầu Năm góc xác định Trung Quốc và Nga là những mối đe dọa chiến lược lớn nhất đối với Mỹ, và rằng “những hành động, ý định và chiến lược quân sự của các đối thủ tiềm năng” đã biến vũ trụ thành mặt trận mới.
“Trung Quốc và Nga đã vũ khí hóa không gian nhằm giảm bớt hiệu quả quân sự của Mỹ và các đồng minh, đồng thời thách thức sự tự do và hoạt động của chúng ta trong không gian...Sự gia tăng nhanh chóng các hoạt động vũ trụ thương mại và quốc tế trên khắp thế giới làm phức tạp hơn môi trường không gian ”, báo cáo viết.
Để đối phó với những mối đe dọa và thách thức trong môi trường an ninh hiện nay và tương lai, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ có một số thay đổi trong chương trình vũ trụ trong thập kỷ tới, báo cáo cho biết.
Những thay đổi đó bao gồm xây dựng Lực lượng không gian, nhánh mới của các lực lượng vũ trang Mỹ, sắp xếp lại thẩm quyền hoạt động, làm việc với các cơ quan khác trong chính phủ và doanh nghiệp tư nhân trong ngành thương mại cũng như hợp tác với các đồng minh và đối tác.
He Qisong, một chuyên gia về phòng không tại ĐH Luật và khoa học chính trị Thượng Hải, nói rằng nhiều khía cạnh được nói đến trong báo cáo, đặc biệt là những nội dung về chia sẻ công nghệ và thông tin cũng như cơ hội kinh doanh, từng được sử dụng trước đây để cô lập và bao vây Trung Quốc trong cả lĩnh vực thương mại lẫn quân sự.
“Mỹ đã có vị trí ưu việt trong vũ trụ, với gần một nửa trong 320 vệ tinh quân sự và lưỡng dụng trên quỹ đạo là của Mỹ, sau đó mới đến Nga và Trung Quốc”, ông He nói.
“Điều Washington muốn là gia tăng khoảng cách với Trung Quốc và Nga, đặc biệt khi Trung Quốc sắp hoàn thành chương trình định vị Bắc Đẩu”, ông He đánh giá.
Chuyên gia quân sự Zhou Chenming, làm việc ở Bắc Kinh, nói rằng mạng lưới Bắc Đẩu của Trung Quốc dự kiến trở thành dịch vụ định vị toàn cầu trong 15 năm tới.
“Công nghệ định vị mà hệ thống Bắc Đẩu sử dụng có thể cạnh tranh với GPS, nhưng vấn đề chủ chốt là Trung Quốc không có đủ kinh nghiệp để thúc đẩy nó trở thành một dịch vụ toàn cầu”, ông Zhou nói.
Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều tiền cho Bắc Đẩu. Lô vệ tinh đầu tiên được phóng vào năm 2000 và hệ thống này đã được mở rộng từ sử dụng trong lĩnh vực quân sự sang các ứng dụng thương mại quy mô lớn khác.
Ông He nói rằng chiến lược vũ trụ mới nhất của Lầu Năm góc có thể tạo thêm rào cản đối với kế hoạch Bắc Đẩu của Trung Quốc.