Mỹ cùng NATO, EU, Úc, Anh, Canada, Nhật và New Zealand cùng lên án Trung Quốc do thám. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gọi đây là “mối đe doạ lớn đối với an ninh kinh tế và quốc gia của chúng ta”.
Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc 4 công dân Trung Quốc, gồm 3 quan chức an ninh của chính phủ và 1 tin tặc làm việc theo hợp đồng, đã tấn công hàng chục công ty, trường đại học và cơ quan chính phủ ở Mỹ và các nước khác.
Phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington Liu Pengyu đáp trả rằng những cáo buộc này là “vô trách nhiệm”.
“Chính phủ Trung Quốc và các nhân sự liên quan không bao giờ tham gia các cuộc tấn công mạng hay ăn cắp trên mạng”, Liu nói trong một tuyên bố.
Tại một sự kiện nói về kế hoạch hạ tầng của chính quyền Mỹ, Tổng thống Joe Biden nói với báo giới: “Tôi hiểu rằng chính phủ Trung Quốc khác với chính phủ Nga ở chỗ họ không tự làm, mà đang bảo vệ những người làm việc đó. Và thậm chí họ bao che cho những người làm việc đó”.
Trong cuộc họp báo sau đó, Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki được hỏi rằng vì sao ông Biden không trực tiếp cáo buộc chính phủ Trung Quốc.
“Đó không phải ý định mà ông ấy muốn thể hiện. Ông ấy cực kỳ chú ý đến các hoạt động độc hại trên mạng”, bà Psaki nói.
Bà Psaki cũng nói rằng Nhà Trắng không phân biệt giữa Nga và Trung Quốc trong vấn đề tấn công mạng.
Dù phương Tây ra hàng loạt tuyên bố để chỉ trích Trung Quốc trong vấn đề này, các chuyên gia an ninh mạng cho rằng Mỹ khó có thể buộc Bắc Kinh chịu hậu quả. Cách đây 1 tháng, tuyên bố chung của G7 và NATO cảnh báo rằng Trung Quốc đang gây đe doạ cho trật tự quốc tế.
Adam Segal, một chuyên gia về an ninh mạng tại Hội đồng đối ngoại tại New York, gọi tuyên bố ngày 19/7 là “một nỗ lực thành công để tập hợp các đồng minh và bạn bè cùng có hành động với Bắc Kinh, nhưng sẽ không hữu ích lắm nếu không có hành động cụ thể nào sau đó”.