Vị quan chức này cho biết, chính quyền Mỹ có ý định đưa ra các lệnh trừng phạt mới nhân kỷ niệm 1 năm Mỹ rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và một số cường quốc khác hồi tháng 5 năm ngoái.
“ Chúng tôi chỉ muốn tạo ra một hiệu ứng tiếp theo. Chúng tôi muốn các doanh nghiệp tiếp tục suy nghĩ rằng việc làm ăn với Iran là một ý tưởng tồi tệ ở thời điểm này”.
Hồi tháng 5 năm ngoái, ông Trump đã tuyên bố rằng, Mỹ sẽ rút ra khỏi thỏa thuận quốc tế về hạt nhân được ký kết năm 2015. Hành động này được cho là để phủ nhận năng lực của Tehran trong việc sản xuất các vũ khí hạt nhân và cùng với nó là ban hành lệnh trừng phạt đối với quốc gia này.
Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 đã được Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Nga, Trung Quốc và Iran đồng ý nhằm đã tìm cách ngăn Iran phát triển bom hạt nhân để đổi lấy việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đã làm tê liệt nền kinh tế nước này.
Quan chức này cho biết, chính quyền hy vọng sẽ thực hiện các biện pháp trừng phạt bổ sung trong những tuần tới.
“ Trong dịp kỷ niệm này, chúng tôi nỗ lực càng làm được nhiều việc càng tốt”, vị quan chức này cho biết trong khi cho rằng cần có thời gian để đưa ra các biện pháp trừng phạt như vậy và Bộ Tài chính Mỹ đang làm việc với họ.
Một trong những biện pháp mà Mỹ đã sử dụng bao gồm các lệnh trừng phạt đối với nhập khẩu dầu từ Iran. Washington đã ban lệnh miễn trừ đối với 8 nhà nhập khẩu dầu của Iran, nhưng có thể thay đổi điều này. Việc giảm số nước được miễn trừ sẽ hạn chế xuất khẩu dầu từ Iran, nhà sản xuất dầu lớn thứ 4 trong OPEC.
Vị quan chức này nói, Mỹ đặt mục tiêu đưa lượng xuất khẩu dầu mỏ của Iran về con số 0 và mục tiêu này không thay đổi. Sản xuất dầu trong nước của Mỹ sẽ giúp bù đắp một sự thay đổi như vậy.
Các nhà phân tích của Eurasia Group có trụ sở tại Mỹ cho biết, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ được cấp miễn trừ sau khi lệnh trừng phạt hết hạn vào tháng 5. Điều này sẽ đưa sản lượng dầu xuất khẩu của Iran đạt 1,1 triệu thùng/ ngày.
Lệnh trừng phạt này sẽ loại Ý, Hy Lạp và Đài Loan khỏi danh sách được miễn trừ hiện nay.