Anh Tươi, cán bộ xã đội Lương Hòa cho biết: Hái dừa mướn toàn là người nghèo. Nghề này nguy hiểm lắm…
Anh Trương Văn Xiếu đang biểu diễn leo dừa. |
Leo dừa nuôi con
Lượn qua mấy con đường ngoằn ngoèo nhỏ xíu, chúng tôi đến nhà anh Trương Văn Xiếu, sinh năm 1963, ấp Hòa Trị, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm. Người thợ leo dừa mướn nổi tiếng xứ này vóc dáng nhỏ nhắn, mảnh khảnh. Căn nhà ẩn sâu trong vườn cây tạp, trước sân, bên hông nhà lổn nhổn dừa khô.
Cưới vợ, sinh liền 4 con trai, với gần 2 công đất vườn tạp, loay hoay với cái ăn chưa đủ, còn phải lo cho các con ăn học, anh bắt đầu nghề leo bẻ dừa mướn. Vậy mà anh nuôi hai con trai lớn ăn học rồi đi làm, còn hai con nhỏ đang học cấp 3.
Vừa đi bẻ dừa thuê cho hàng xóm về, anh khoe: Chiều đi ấp Hòa Bình bẻ dừa, người ta mới đến nhà kêu. Công bẻ trái 8.000 đồng/cây, dọn vệ sinh 12.000 đồng/cây. Nếu làm cật lực, dừa thấp, cố lắm mỗi ngày bẻ khoảng 25 cây là rụng rời tay chân.
Dụng cụ bẻ dừa chỉ là cái nài bằng dây để ghìm chân vào cây dừa, một lưỡi hái để giật dừa. Lơ lửng giữa lưng chừng trời, một tay bám ôm thân dừa, một tay cầm lưỡi hái. Cũng có lần hai cây dừa gần nhau, từ ngọn này bẻ xong, lần theo tàu dừa chuyền qua cây khác bẻ tiếp, đỡ lên xuống mất sức. Nhưng rất hy hữu vì dừa thường mọc ngả nghiêng.
Không hiếm những lần bị kiến vàng, ong dữ đốt, hoặc bị rắn xộc ra, người thợ bẻ dừa phải bình tĩnh, cắn răng chịu đau và xử lý. Chỉ cần một chút bất cẩn, nhát gan là rơi tự do từ độ cao trên 10 m xuống đất.Thợ leo dừa sợ nhất là những ngày trời ẩm ướt, rong rêu làm thân dừa trơn trượt. Không hiếm tai nạn đã xảy ra.
Anh Xiếu nhanh như sóc, cầm lấy nài chân và lưỡi hái câu cơm, biểu diễn leo cây dừa trong vườn nhà cao chót vót. Vèo một cái, anh đã tót lên tận ngọn, tay cầm lưỡi hái giật trái.
“Vua leo dừa”
Ông tên là Lê Văn Hòa sinh năm 1931, tại xóm lưới quận Bình Thủy TP Cần Thơ, trong một gia đình nghèo. Năm lên 15 tuổi, đôi mắt ông bỗng mờ dần rồi mù hẳn. Bắt đầu cuộc sống người mù, ông lần mò làm quen với các vật dụng trong nhà, rồi tập lần ra ngoài ngõ.
Cuối cùng, ông cũng mò mẫm lần theo cha giăng câu, thả lưới. Ông cắm sào tre ở từng đoạn kênh rồi giăng dây cột lại, rồi lần theo các cọc ấy để giăng lưới, thả câu... Người mù có cách nhận biết riêng mình.
Một lần, cha ông trèo cây hái trái bị ngã gãy tay, gắng gượng làm tất cả mọi việc để nuôi cả nhà, ông hạ quyết tâm, phải làm cái gì đó để đỡ đần cha mẹ. Mù con mắt, nhưng sáng đôi tay, ông nằng nặc đòi cha mẹ phải dắt ra cây, hướng dẫn, mò mẫm, tập leo.
Không ai nhớ tự hồi nào, dân miệt Bình Thủy - Long Tuyền, nhà vườn nào cần tỉa nhánh cây, cưa cây làm cột, xẻ ván đều nhờ đến ông Tám mù. Có những cây dừa lão cao chót vót gần 20 m, thợ leo dừa trong vùng đều chào thua, chỉ có ông Tám mù là không chịu...
Ông Tám kể từng bị ngã từ ngọn cây gần 11 m xuống đất, ngất xỉu và nằm liệt giường vài tháng.
Ngôi hậu leo dừa miền Nam có lẽ thuộc về bà Nguyễn Thị Mười Hai, ấp Bờ Xe, xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, Tiền Giang, ở tuổi bà ngoại vẫn leo dừa mướn chuyên nghiệp.
Hồi nhỏ Mười Hai thích thi leo dừa với đám con trai, lần nào bà cũng là người thắng cuộc. Năm 20 tuổi, bà lấy chồng, làm đủ mọi nghề nhưng vẫn nghèo. Lúc đầu, bà chỉ leo những cây dừa thấp, sau đó đến những cây dừa cao hơn. Mỗi chục dừa (12 trái), được trả tiền 2.000 đồng. Hiện nay ở vùng Thạnh Phú, bà Mười Hai là người duy nhất có thể chinh phục được những ngọn dừa cao từ 20 - 40 m.
Tai nạn từ nghề leo dừa, hái dừa xảy ra không phải là chuyện hiếm. Ông Sáu Ấn ở kinh Chẹt Sậy (huyện Giồng Trôm), nổi danh “kiện tướng” giật dừa mỗi ngày giật trên 1.000 quả đã mấy chục năm qua, bị thiệt mạng do bị dừa “chạy tàu” (trái dừa bất ngờ lăn theo tàu lá rơi xuống) trúng đầu. |
Trân Châu